Bật mí một số cách đi giày cao gót không đau chân chị em nhất định phải biết
Chọn giày cao gót đúng kích cỡ chân
Giày cao gót quá rộng sẽ khiến việc di chuyển bị bất tiện. Còn nếu giày quá chật thì chân sẽ bị bí bách, đau nhức. Vì vậy, mẹo đầu tiên bạn cần áp dụng là chọn một đôi giày vừa vặn với chân của mình.
Di chuyển bằng gót chân
Muốn bước đi được vững vàng, hạn chế bị trật chân thì bạn nên đi bằng gót chân rồi mới tới mũi chân. Nhưng nếu là đi lên xuống cầu thang thì bạn hãy đổi ngược lại, tiếp đất bằng mũi chân rồi mới đến gót chân.
Không bước quá nhanh khi đi giày cao gót
Đi quá nhanh khi sử dụng giày cao gót rất dễ khiến bạn vấp ngã. Bạn nên đi từng bước nhỏ và nhẹ nhàng cho đến khi quen dần và có thể tăng dần tốc độ khi đã quen.
“Đồng bộ hóa” với cơ thể
Một dáng đi khập khiễng, xiêu vẹo sẽ không những khiến dáng bạn trông không được đẹp mắt mà còn khiến cho bạn dễ gặp “tai nạn” với giày cao gót. Khi đi giày cao gót bạn nhớ lưng phải thẳng, mặt hơi ngẩng cao một chút, các bắp tay, bắp vai thả lỏng ra để cơ thể luôn trong trạng thái cân bằng nhất.
Nếu giày cao gót của bạn quá trơn, hãy chà nhám nó
Giày cao gót dù có đẹp đến mấy thì cũng phải đảm bảo được sự an toàn cho người sử dụng nó. Nếu đế giày của bạn quá trơn và khiến bạn có cảm giác như muốn ngã khi dùng nó thì có thể dùng giấy nhám chà phần đế để bề mặt đế giày không còn trơn trượt nữa. Bạn cũng có thể mang đến tiệm sửa giày nhờ giúp đỡ chẳng hạn như gắn thêm đế cao su.
Tập luyện đi giày cao gót mỗi ngày
Muốn sống chung hòa bình với giày cao gót thì một cách tốt nhất là bạn hãy tập luyện đi chúng mỗi ngày. Bỏ ra khoảng 2 – 3 tiếng mỗi ngày đi trên giày cao gót, bạn sẽ nhận lại được kết quả xứng đáng nhanh chóng.
Khi mới đi giày cao gót bạn cũng không nên chọn những đôi giày quá cao, gót quá nhọn. Chúng sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc tập luyện đồng thời cũng khiến bạn dễ bị trật chân gây nguy hiểm. Độ cao lý tưởng cho những đôi giày dùng cho việc tập luyện mỗi ngày là 5 – 7cm.
Hải Anh/TH