Ai nên là người quản lý tài chính gia đình?
Tiến hành khảo sát nhanh 60 người là những người vợ, người chồng, độ tuổi từ 26 đến 52, ở nhiều ngành nghề khác nhau, về Quản lý tài chính trong gia đình hiện đại, kết quả cho thấy:
Hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng, vợ chồng nên có quỹ tiền chung với 61,7%. Trong khi đó, 16,7% cho rằng vợ chồng nên “tiền ai nấy giữ”. Có 13,6% chọn nên có quỹ tiền chung và có quỹ riêng. Với quỹ chung để chi tiêu cho công việc chung của gia đình, quỹ riêng để chi tiêu việc của cá nhân một cách chủ động. Số còn lại cho rằng tùy thuộc vào từng gia đình để lựa chọn “tiền chung, tiền riêng” sao cho hợp lý.
Trả lời câu hỏi : Vợ hay chồng nên là người quản lý tài chính gia đình?, 45% người tham gia khảo sát cho rằng vợ nên là người quản lý tài chính gia đình so với 3,3% ý kiến nên là chồng. 18,4% chọn cả vợ và chồng cùng quản lý, trong đó 3,4% chia sẻ vợ quản lý tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, chồng quản lý tiền sử dụng cho việc kinh doanh và công khai với vợ. Có 6,7% ý kiến ai có khả năng quản lý tốt tài chính gia đình thì người đó giữ. 3,4% lựa chọn mỗi người tự quản lý tài chính cá nhân, có trao đổi, thỏa thuận, thống nhất đóng góp phù hợp cho các khoản chi tiêu trong gia đình. Số còn lại cho rằng, tùy vào hoàn cảnh từng gia đình để chọn người quản lý tài chính phù hợp.
Có thể thấy, giải pháp quản lý tài chính trong gia đình hiện đại là có quỹ tiền chung chi tiêu cho công việc chung của gia đình, ngoài ra mỗi người cũng cần có quỹ riêng để chi tiêu việc của cá nhân. Ngoài ra, “tiền ai nấy giữ” và thỏa thuận, thống nhất chi tiêu cho việc chung cũng là một giải pháp được các gia đình lựa chọn.
Kết quả khảo sát cũng tiết lộ, 60% người tham gia thừa nhận có xảy ra bất đồng về tài chính với bạn đời ở mức độ thỉnh thoảng, 3,3% ở mức độ thường xuyên. Số còn lại chia sẻ họ không có hoặc gần như không có bất đồng về tài chính.
Chia sẻ về nguyên nhân của những bất đồng về tài chính trong gia đình, 40,7% cho biết do vợ chồng thiếu sự thống nhất trong chi tiêu, 27,1% do thói quen chi tiêu (hoang phí, quá tiết kiệm…).
Nếu vợ chồng không thống nhất về thói quen và phương án chi tiêu thì một trong hai người luôn thấy khó chịu, bực bội với cách chi tiêu của đối phương. Vợ không thể tiết kiệm nếu chồng cứ vung tay quá trán và ngược lại. Vì thế, việc cần làm đầu tiên là hai vợ chồng phải thảo luận, thống nhất các khoản chi của gia đình.
Trước câu hỏi: Bạn cho rằng, hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn khi?, phương án được người tham gia lựa chọn nhiều hơn cả là Vợ/chồng đóng góp phần lớn thu nhập cá nhân vào quỹ chung của gia đình với 60%. Tiếp đó là 21,7% chọn Vợ/chồng có khoản riêng ổn định, độc lập. Số còn lại cho rằng, hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn khi vợ/chồng vừa có khoản riêng ổn định, độc lập, vừa có trách nhiệm với những khoản chi chung của gia đình, hay khi người chồng lo được kinh tế, chăm lo cho gia đình…
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, hạnh phúc trong hôn nhân tỷ lệ thuận với lượng tiền lương vợ/chồng đóng góp cho gia đình. Càng đóng góp nhiều tiền vào quỹ chung của gia đình thì hôn nhân của bạn càng hạnh phúc.
Vài gợi ý cách quản lý tài chính gia đình hiệu quả:
– Lên kế hoạch quản lý chi tiêu gia đình thật chi tiết
– Có quy tắc thống nhất về chi tiêu trong gia đình
– Lập quỹ tiền chung
– Biết tiết kiệm thông minh
– Thường xuyên đánh giá tình hình tài chính gia đình
PV