Những tác dụng tuyệt vời của khoai lang đối với sức khỏe
Khoai lang không chỉ chứa nhiều dinh dưỡng mà còn được biết đến với nhiều công dụng chữa bệnh như: chứa các đặc tính chống viêm, chống ung thư, chống tiểu đường, giảm nguy cơ mắc bệnh về mắt, giúp giảm cân và làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh về tim.
Vậy cụ thể ăn khoai lang có tác dụng gì? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
1. Giá trị dinh dưỡng trong khoai lang
Khoai lang là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trong 200 gam khoai lang nướng cả vỏ có chứa:
– Lượng calo: 180
– Carb: 41,4 gam
– Chất đạm: 4 gam
– Chất béo: 0,3 gam
– Chất xơ: 6,6 gam
– Vitamin A: 769% DV
– Vitamin C: 65% DV
– Mangan: 50% DV
– Vitamin B6: 29% DV
– Kali: 27% DV
– Axit pantothenic: 18% DV
– Đồng: 16% DV
– Niacin: 15% DV
Chú thích: DV (Daily Value): giá trị dinh dưỡng hàng ngày (1) (2) (3)
Bên cạnh đó, khoai lang – đặc biệt là khoai lang tím có chứa một chất tên là DHEA. Đây là loại hormone có khả năng chống lão hóa và phòng ngừa ung thư.
Khoai lang là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, vitamin và khoáng chất. (Ảnh: Internet)
2. Công dụng của khoai lang đối với sức khỏe
2.1: Cung cấp vitamin A cho cơ thể
Thiếu hụt vitamin A sẽ gây ra một loại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe như: làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh truyền nhiễm, tăng tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm, khô mắt và các bệnh về mắt, tăng tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và cho con bú và cả con của họ.
Khoai lang là một nguồn cung cấp vitamin A cực kỳ quan trọng. Trong khoai lang chứa nhiều beta-carotene. Khi đi vào cơ thể, beta-carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A trong gan, với mỗi phân tử beta-carotene sẽ tạo ra 2 phân tử vitamin A. (4) (5) (6)
2.2: Tốt cho người bị tiểu đường
Khoai lang là nguồn cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A ở dạng beta carotene, vitamin C, B6, K, canxi, phốt pho, magie, đạm và chất xơ. Dù carbohydrate có thể làm tăng lượng đường trong máu nhưng hàm lượng chất xơ cao trong khoai lang lại giúp cơ thể no lâu hơn, làm giảm cảm giác thèm ăn ở người bị tiểu đường. Bên cạnh đó, hàm lượng chất xơ cao trong khoai lang còn làm chậm quá trình tiêu hóa đường và tinh bột, nhờ đó giúp làm giảm lượng đường trong máu. (7)
Ăn khoai lang còn giúp cải thiện hệ tiêu hóa cho người bị tiểu đường. Khoai lang kích thích sản xuất dịch vụ, do đó giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Lượng chất xơ trong khoai lang giúp loại bỏ các chất thải tích tụ trong dạ dày, làm mềm phân giúp giảm tình trạng táo bón.
2.3: Thúc đẩy hoạt động chống viêm
Khoai lang chứa rất nhiều loại vitamin, hầu hết các loại vitamin này đều có tính chống viêm hiệu quả. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, một số thành phần trong củ khoai lang tím có khả năng ức chế các sản xuất các thành phần gây viêm nhiễm trong cơ thể. (8)
Trong khoai lang còn chứa nhiều Choline – đây là chất giúp cơ thể hấp thụ chất béo và làm dịu các chứng viêm kinh niên. Bên cạnh đó, chất anthocyanin trong khoai lang có thể ngăn ngừa và làm giảm viêm, giúp hạn chế sự tăng trưởng của một số tế bào ung thư – đặc biệt là ung thư ruột kết.
2.4: Ngăn ngừa ung thư
Các thành phần trong khoai lang, đặc biệt là trong khoai lang tím có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại ung thư như: ung thư ruột kết, ung thư vú.
Một số nghiên cứu cũng chỉ rằng một số thành phần trong khoai lang có tác dụng ngăn ngừa và làm giảm sự phát triển của ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt. (9) (10)
2.5. Tăng cường trí nhớ
Trong khoai lang tím có chứa chất anthocyanins – đây là chất có tác dụng giảm viêm và ngăn ngừa tác hại của các gốc tự do.
Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy việc bổ sung chiết xuất khoai lang giàu anthocyanin được chứng mình có khả năng cải thiện khả năng học tập và tăng cường trí nhớ.
Hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên người nhưng nhìn chung, một chế độ ăn giàu trái cây, rau củ và chất chống oxy hóa có thể làm giảm 13% nguy cơ suy giảm tinh thần và mất trí nhớ.
2.6. Tốt cho hệ tiêu hóa
Trong khoai lang có chứa chất xơ và chất chống oxy hóa – đây là những chất có lợi cho đường tiêu hóa. Một số loại chất xơ giúp hấp thụ nước và làm mềm phân của bạn, nhờ đó làm giảm tình trạng táo bón. Một số chất xơ được lên men bởi vi khuẩn trong đường ruột, tạo thành các chuỗi axit béo, cung cấp chất dinh dưỡng cho hệ đường ruột hoạt động tốt hơn.
Chất chống oxy hóa trong khoai lang thúc đẩy sự phát triển của các loại vi khuẩn đường ruột có lợi cho hệ tiêu hóa, bao gồm Bifidobacterium và Lactobacillus. Các loại vi khuẩn này giúp đường ruột khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích và tiêu chảy.
2.7. Bảo vệ khớp
Khoai lang còn là nguồn cung cấp dồi dào chất beta cryptoxanthin – đây là chất có tác dụng phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm mãn tính như thấp khớp, viêm khớp. Vitamin C trong khoai lang còn có tác dụng giúp duy trì collagen và làm giảm nguy cơ phát triển của bệnh viêm khớp.
Thùy Trang/TH