2 điều bố mẹ cần thay đổi nếu muốn “điều khiển” được con
Khi bạn không muốn trẻ làm điều gì, thì đừng nhắc, đừng đề cập đến điều đấy trong lời nói.
Trường hợp 1 : Khi trẻ không chịu uống sữa.
Bạn thường hay nói:
– Tại sao con lại không uống sữa?
– Sữa rất tốt, sữa giúp con…., tại sao lại không uống nhỉ?
– Con lại không uống sữa à?
– Con không uống sữa mẹ sẽ không yêu, không cho chơi….đâu!
– Con uống sữa đi rồi mẹ cho chơi….!
Bạn thấy đấy, bạn muốn con uống sữa, nhưng trong lời nói của bạn, lại đa phần nhắc đến cụm từ không uống sữa. Hoặc là sự trao đổi: uống sữa thì mới được chơi.
Bạn có thể nói:
– Uầy, ly sữa này con nhiều bạn sữa nè, con cho các bạn ấy vào bụng nhen!
– Con và mẹ mình cùng thi xem ai uống hết nè!
– Con hãy làm râu giống ông đi! (khi trẻ uống bằng cốc sẽ để lại vành trắng quanh miệng, bạn có thể tận dụng điều này để khuyến khích trẻ).
– Ôi cái cốc này có bạn gì in ở đáy ấy, nhưng uống hết mới thấy được bạn ấy (dùng trong trường hợp đúng là ở đáy cốc có in hình thôi nha).
– Bạn bụng có kêu ừng ực chưa, mẹ nghe xem nào (ghé tai nghe ở bụng con). Chắc bạn ấy đang không có ai chơi, bạn ấy nhớ bạn sữa rồi, con cho 2 bạn ấy gặp nhau nhen, để tẹo mẹ nghe lại xem 2 bạn ấy chơi với nhau vui không.
Ảnh minh họa.
Trường hợp 2: Khi trẻ không chịu đi xuống cầu thang 1 mình, không chịu đi vệ sinh 1 mình.
Bạn có thể sẽ nói:
– Lớn rồi, có gì đâu mà không chịu đi 1 mình.
– Lớn rồi mà sao nhát gan vậy.
– Lớn rồi con phải tự làm đi!
Ở đây, điều bạn muốn là con đi xuống cầu thang lấy đồ, vậy nên đừng nhấn mạnh việc một mình. Càng nhấn mạnh, trẻ sẽ càng cảm thấy “một mình” giống với việc gì đấy quá đặc biệt, bé sẽ thấy “một mình” không phải là tự nguyện nữa, mà là bị bắt phải làm. Và lúc đấy trong đầu trẻ chỉ luẩn quẩn suy nghĩ “mình đang một mình”, “mình đang không có ai bên cạnh” thay vì trẻ nghĩ đến việc “mình đang muốn lấy gì ở phòng bên kia/ở dưới cầu thang”.
Bạn thấy đấy, sự sợ hãi, sự bất an, sự ép buộc, sự miễn cưỡng hành động, và cả cảm giác bỏ rơi khiến trẻ lo âu nhiều hơn, bất an nhiều hơn là sự tự giác, tự lập. Về lâu dài, điều này rõ ràng là không có lợi cho trẻ.
Ở trường hợp này, điều đầu tiên bạn cần ghi nhận hành vi sợ bóng tối của trẻ, sợ sự một mình của trẻ. Bạn thử liệt kê các nguyên nhân, việc liệt kê này giúp bạn hiểu lý do xuất phát của hành vi của con, từ đó điều chỉnh cho đúng.
Khi bạn muốn trẻ không làm điều gì, đừng nhấn mạnh và biến những điều đấy trở nên nghiêm trọng, khác thường.
Bạn có thể giúp trẻ tự tin vào bản thân, vượt qua nỗi sợ bằng cách:
– Hãy giúp con cảm nhận sự thành công khi tự làm một việc gì đó, dù là nhỏ:
Khi con muốn mẹ đi cùng qua phòng bên cạnh lấy đồ chơi mà không chịu đi một mình. Hãy hiểu con đang cảm thấy sợ một mình, không thấy an toàn, và con cần bạn. Hãy nắm tay con, đi cùng con kèm lời nói “Hai mẹ con mình cùng đi lấy đồ chơi nha”. Khi đến phòng bên cạnh, hãy thật tự nhiên và nói với trẻ “Mẹ đứng ở cửa chờ con nè, con chạy vào lấy nha” (trẻ vẫn nhìn thấy mẹ khi tiến vào phòng lấy đồ chơi). Khi trẻ lấy được đồ chơi hãy ôm và khen con “Chà, con tự lấy đồ chơi giỏi quá nè” (khen đúng vào hành vi chứ không chỉ khen suông là con giỏi quá…). Cứ thực hiện như vậy nhiều lần. Những lần sau bạn có thể dãn khoảng cách về mặt không gian để con quen dần.
– Luôn nói rõ với con về mọi điều để trẻ được chuẩn bị trước.
Bạn hãy thông báo về sự vắng mặt tạm thời của bạn cho con. Bằng cách khi bạn cần xuống cầu thang lấy 1 món đồ, hãy đưa ra thông báo với trẻ “Con có muốn ăn trái cây cùng mẹ không? Để mẹ xuống cầu thang lấy nhen? Con có muốn đi cùng mẹ không?” Nếu trẻ muốn đi, thì hãy đi cùng trẻ, nếu trẻ không muốn đi, bạn đi 1 mình và lúc quay lại nhớ thông báo rằng “Mẹ đã lấy xong rồi đây”. Việc thông báo này giúp trẻ không cảm thấy đột ngột bị bỏ lại một mình, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, đồng thời trẻ hiểu thêm về sự vắng mặt tạm thời của mẹ. Nhiều em bé có những ký ức hoảng sợ với những lần mẹ thấy trẻ mải chơi thì lén bỏ đi, mong bố mẹ hiểu, cảm giác bị bỏ lại một mình rất là kinh khủng với bất kỳ ai.
– Ngưng đe doạ:
Đừng bao giờ doạ nạt con bằng việc “mẹ sẽ để con 1 mình”; “mẹ sẽ nhốt con ở phòng kia/góc kia”; “mẹ sẽ tắt đèn”….Chính sự đe doạ này khiến trẻ xem rằng việc “một mình”, và “bóng tối”, và “phòng kia, góc kia” là một sự trừng phạt thay vì xem đó là bình thường. Sự sợ hãi và sự bất an, lo lắng sẽ làm trẻ mất đi tính tự tin vào bản thân.
– Đừng tiếc sự khen ngợi, khuyến khích, động viên trẻ:
Lời khen sẽ có hiệu quả tăng lên nhiều lần khi khen vào hành vi đúng mà con thực hiện, thay vì lời khen chung chung. Nếu con muốn bạn đi cùng con, thì hãy khen “cảm ơn con vì đã tin tưởng và nhờ mẹ đi cùng nhen” thay vì “thôi con lớn rồi, con tự đi đi”. Dành cho trẻ những cái nhìn thừa nhận, ngồi ngang tầm mắt khi khen trẻ, một cái xoa đầu, một ánh mắt cười nhìn con, là một điều quá đỗi tuyệt vời với trẻ đó ạ.
– Đừng nhấn mạnh hành vi của con với con, và ở trước mặt con khi có nhiều người:
Bạn thể hiện cho con thấy rằng việc con sợ đi vệ sinh 1 mình, sợ đi qua phòng bên một mình là không bình thường. Bạn xem nặng chuyện đó, và lúc nào cũng nhấn mạnh, đề cập (nhất là trước mặt con; hoặc khi có nhiều người và con nghe thấy) thì rồi con sẽ thấy chuyện đi vệ sinh 1 mình, đi qua phòng bên một mình là chuyện gì đấy rất kinh khủng, lớn lao, ai không làm được là bất thường, là không dũng cảm, là nhát gan.
Nhấn mạnh hay nhắc nhiều, trẻ sẽ càng thấy mình đang không tốt, không đúng trong mắt bố mẹ và mọi người. Mong bố mẹ hiểu, mọi hành vi đều có lý do đằng sau. Và chúng sẽ mau chóng đi qua một cách tích cực hay không, tuỳ vào việc bố mẹ đón nhận và phản ứng với hành vi đó ra sao, như thế nào.
Đinh Thị Thu Hằng