Dấu hiệu nhận biết đau bụng giun ở người lớn và trẻ em
Các biểu hiện khi bị đau bụng giun
Giun sán là thuật ngữ chỉ về những sinh vật đa bào lớn, mà khi trưởng thành thường có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, sống ký sinh trong cơ thể con người và động vật.
Cơ thể con người bị nhiễm giun sán có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể qua đường thức ăn. Thức ăn không được chế biến chín kỹ hoặc ăn đồ sống dễ khiến trứng giun theo đường thức ăn thâm nhập và phát triển trong cơ thể. Ngoài ra, tiếp xúc với động vật nhiễm giun sán hoặc do môi trường sống của chúng ta không đảm bảo, giun sán thâm nhập qua móng chân, móng tay, vết thương hở.
Làm thế nào để phát hiện cơ thể bị nhiễm giun sán? Đây là câu hỏi nhiều người băn khoăn để kịp thời tẩy giun và điều trị các bệnh phát sinh do loài ký sinh này gây ra.
Hình minh họa.
Theo các chuyên gia y tế, người bị nhiễm giun sán sẽ có biểu hiện đau bụng giun. Vì khi vào cơ thể người, giun thường ký sinh trong ruột – cơ quan tiêu hóa quan trọng của con người để hấp thụ dinh dưỡng. Người bị nhiễm giun sán thường bị ngứa da do cơ thể người sinh kháng thể chống lại các kháng nguyên được tiết ra từ cơ thể ký sinh trùng, làm cho người bị nhiễm giun sán trong máu cảm thấy ngứa ngáy. Mưng mủ, viêm da, đôi khi giun sán di chuyển, phá hủy não, cơ tim, mắt.
Ngoài ra, đau bụng giun cũng là dấu hiệu thường gặp. Đau bụng giun sẽ có những dấu hiệu khác với những cơn đau bụng thông thường.
Theo đó, khi bị đau bụng giun, chúng ta sẽ bị đau vùng xung quanh rốn kèm theo các dấu hiệu khác như buồn nôn, lợm giọng, càng đói càng đau nhiều hơn. Nếu bị giun đũa xâm nhập nhiều có thể gây ra tình trạng tắc ruột vô cùng nguy hiểm. Ở một số người, ngoài cơn đau bụng còn xuất hiện cả một số hiện tượng như đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, đi ngoài ra máu…
Đối với trẻ nhỏ khi bị đau bụng giun sẽ có thể có triệu chứng tắc ruột, bụng to, ngứa hậu môn… còn người lớn có thể bị kém tập trung, da xanh xao, người mệt mỏi thiếu máu, bứt rứt, lo âu, kém tập trung, nổi mề đay, trí nhớ kém, đau bụng âm ỉ quanh rốn…
Trẻ em bị nhiễm giun sán sẽ gặp phải những nguy cơ lớn về sức khỏe như biếng ăn, chậm lớn, gây sa sút tinh thần và trí tuệ, hoặc giun chui vào các bộ phận của cơ thể gây tắc ruột, viêm túi mật, viêm vùng kín…
Hình minh họa.
Đau bụng giun nên làm gì?
Để xác định có bị nhiễm giun sán hay không, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và lựa chọn phương pháp điều trị. Khi xác định giun sán, các bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc tẩy giun. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc tẩy giun hiệu quả có thể dùng được cho cả người lớn và trẻ em và có thể uống được vào thời điểm đói, no tùy thuộc. Song tuyệt đối không nên sử dụng bừa bãi thuốc tẩy giun nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Các bác sĩ khuyến cáo, cả người lớn lẫn trẻ em nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn, ăn chín uống sôi để tránh nhiễm giun.
Ngoài ra, theo dân gian truyền tai nhau khi bị đau bụng giun nên uống nước đường. Tuy nhiên đây chỉ là kinh nghiệm dân gian truyền lại. Kinh nghiệm này chỉ được áp dụng trong tình huống giun bị đói phải chui lên dạ dày, tá tràng. Còn các trường hợp giun chui vào mật, tụy, ruột thừa thì sử dụng biện pháp uống nước đường sẽ không có hiệu quả.
Mặt khác, hiện nay chưa có bất kỳ kết luận khoa học nào chứng minh: đau bụng giun không nên uống nước đường hoặc uống nước đường giúp ngưng các cơn đau bụng do giun. Bởi vậy, theo các chuyên gia khi bị đau bụng giun người bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và sử dụng các loại thuốc tẩy giun phù hợp.
Minh Thùy (tổng hợp)