7 cách thú vị cha mẹ dạy trẻ về lòng tốt
Lòng tốt có thể đơn giản là một lời nói tốt lành trẻ dành cho người khác.
Khuyến khích những lời nói, suy nghĩ tích cực
Lòng tốt có thể đơn giản là một lời nói hay một điều ước tốt lành trẻ dành cho người khác. Trẻ có thể mong muốn sức khỏe, niềm vui dành cho người thân, bạn bè hoặc những người xung quanh khi nghĩ tới họ. Hoặc cha mẹ khuyến khích trẻ thể hiện những suy nghĩ đó thành lời như: Chúc ông bà khỏe mạnh, chúc cha mẹ hạnh phúc, chúc bạn bè nhiều niềm vui…
Cha mẹ có thể lựa chọn những câu chuyện về lòng tốt trong sách, truyện… để chia sẻ với trẻ
Chia sẻ những câu chuyện về lòng tốt
Chọn cho trẻ sách, truyện hoặc các video về chủ đề liên quan đến lòng tốt. Đó chính là những ví dụ phong phú và là cách dạy gián tiếp có ảnh hưởng tích cực với trẻ. Cha mẹ có thể lựa chọn những câu chuyện phù hợp lứa tuổi của trẻ. Với những trẻ nhỏ, cha mẹ có thể đọc hoặc cùng xem video để giảng giải cho con. Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể nghe con đọc, nghe những cảm nhận của con, rồi giải thích thêm cho con hiểu.
Nở một nụ cười và chào hỏi người lớn tuổi cũng là cách dạy trẻ cư xử tử tế
Cư xử tử tế
Cha mẹ hãy nở một nụ cười và chào hỏi những người lớn tuổi. Hoặc cha mẹ gửi lời cảm ơn đến những người thân trong gia đình, hàng xóm xung quanh, người bảo vệ, người phục vụ bàn… khi nhận được sự giúp đỡ nào đó từ họ. Những điều đơn giản như vậy cũng là cách để dạy trẻ biết chào hỏi đúng cách, tôn trọng mọi người, cư xử tử tế.
Cha mẹ có thể tạo ra những trò chơi và yêu cầu trẻ nói một câu khen ngợi dành cho người thắng cuộc
Dùng “trò chơi” khen ngợi
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lời khen có tác động rất lớn đến tâm lý con người. Bởi thế, cha mẹ không nên tiết kiệm lời khen ngợi con. Cha mẹ cũng có thể tạo ra những trò chơi và yêu cầu trẻ nói một câu khen ngợi dành cho người thắng cuộc. Những lời khen ngợi như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy vui hơn, có suy nghĩ tích cực về bản thân, con người và cuộc sống quanh mình.
Cha mẹ có thể “thử thách lòng tốt” của trẻ với việc yêu cầu trẻ thể hiện một hành động tốt ngẫu nhiên
Yêu cầu những hành động tốt ngẫu nhiên
Hành động tốt ngẫu nhiên có thể là bất cứ điều gì trẻ làm cho ai đó trong khả năng của mình, mang đến niềm vui cho người nhận. Cha mẹ có thể “thử thách lòng tốt” của trẻ với việc yêu cầu trẻ thể hiện một hành động tốt ngẫu nhiên với người thân, mọi người xung quanh: Dành lời khen tặng cho đứa em nhỏ tuổi hơn mình, vứt rác giúp người hàng xóm lớn tuổi, giúp người già qua đường…
Cha mẹ để trẻ chủ động mở lời hỏi thăm người thân khi gặp chuyện buồn, giúp trẻ không thờ ơ với cuộc sống quanh mình
Trò chơi “cảm xúc”
Để có sự đồng cảm đòi hỏi trẻ biết quan tâm tới cảm xúc của người khác. Ví dụ, cha mẹ có thể vẽ lên giấy những khuôn mặt biểu hiện các trạng thái cảm xúc khác nhau: Vui, buồn, tức giận… sau đó, để trẻ đoán xem những khuôn mặt đó thể hiện cảm xúc gì. Hoặc có thể để trẻ chủ động mở lời hỏi thăm người thân, bạn bè khi ai đó có chuyện vui, gặp chuyện buồn. Cách này giúp trẻ đồng cảm, không thờ ơ với cuộc sống quanh mình.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào những công việc thiện nguyện để nuôi dưỡng lòng tốt
Làm thiện nguyện
Không gì có thể giới hạn được lòng tốt và cha mẹ rất nên khuyến khích trẻ tham gia vào những công việc thiện nguyện. Quyên góp đồ dùng học tập, quần áo, đồ chơi, tiền tiết kiệm hoặc có thể vẽ tranh… để quyên tặng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đó là những việc dù nhỏ nhưng trẻ sẽ rất vui khi có thể giúp đỡ được ai đó. Cha mẹ có thể cùng trẻ làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, mang lại nhiều niềm vui cho mọi người bằng những hành động tử tế dù nhỏ hay lớn.