Yếu tố bên ngoài ảnh hưởng như thế nào đến làn da?
Tác động từ ô nhiễm môi trường
Ảnh minh họa.
Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Justine Hextall ở Tập đoàn Y khoa Harley, cho biết các hạt bụi tồn tại trong bầu không khí bị ô nhiễm có kích thước cực nhỏ, nhỏ hơn 10 đến 20 lần so với kích thước lỗ chân lông của chúng ta. Vì thế chúng rất dễ xâm nhập sâu vào các lớp biểu bì của da, làm tăng khả năng viêm da và kích thích mụn trứng cá, bệnh rosacea và nám da xuất hiện.
Ngoài ra còn do tầng ozon bị thủng, các tia cực tím dễ tiếp xúc với da hơn và tác động làm phá hủy cấu trúc da của bạn, khiến chúng ngày càng xấu đi và thúc đẩy quá trình lão hóa sớm.
Kèm theo đó, các gốc tự do (cũng được tạo ra bởi ô nhiễm môi trường) chính là nhân tố điều chỉnh và làm tăng các enzyme gây hại, phá vỡ collagen và elastin – hàng rào bảo vệ làn da của chúng ta, khiến làn da có thể bị yếu đi, nhạy cảm hơn, dị ứng, nổi mụn; các sắc tố sạm, nám và nếp nhăn sẽ lần lượt hình thành.
Tác động từ chất lượng nước
Nước sinh hoạt, nhất là ở những thành phố lớn, thường gây một số tác động xấu đến da của bạn, vì trong thành phần của nước có chứa nhiều hàm lượng cation canxi (Ca2+) và magie (Mg2+). Sau khi sử dụng nước, các khoáng chất kiềm này sẽ được hấp thụ nhiều trên da, khiến da bị khô và kích ứng.
Trong trường hợp bạn là người sở hữu làn da nhạy cảm, nước còn dẫn đến tình trạng viêm da nghiêm trọng như bệnh vảy nến (eczema) và bệnh rosacea.
Tâm lý căng thẳng
Mối liên hệ giữa tâm trạng với sức khỏe làn da là điều không thể phủ nhận. Hệ thống thần kinh và làn da liên kết mật thiết, thậm chí còn “giao tiếp” với nhau. Nói cách khác, mọi người có thể coi da là nơi phản ánh sức khỏe và tâm lý của con người.
Trên thực tế, da rất nhạy cảm với các tín hiệu và sự điều tiết do trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA), một trong những nơi điều chỉnh hệ thống thần kinh của con người, gây ra. Do đó, khi stress tác động tới HPA, làm thúc đẩy quá trình sản xuất và giải phóng các hormone gây căng thẳng, làn da cũng chịu ảnh hưởng theo.
Chuyên gia Lucy giải thích, tín hiệu căng thẳng truyền tới các tế bào da hoặc tế bào miễn dịch sẽ tác động trực tiếp đến chức năng của da, gây rối loạn, kích hoạt phản ứng miễn dịch, từ đó dẫn tới tình trạng viêm mãn tính.
Trên thực tế, bạn có thể dễ dàng nhận thấy những người mắc bệnh mãn tính hoặc gặp phải vấn đề sức khỏe khiến hàng rào bảo vệ cơ thể suy yếu chịu tác động mạnh bởi căng thẳng.
Thói quen ăn uống không lành mạnh
Ngoài yếu tố căng thẳng, bác sĩ Lee cho biết, thói quen tiêu thụ thực phẩm hàng ngày không lành mạnh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Một số người mọc mụn trứng cá vì dùng nhiều món ăn dầu mỡ. Trong khi đó, những người khác lại gặp phải tình trạng này khi tiêu thụ thực phẩm làm từ sữa. Nguyên nhân là do các sản phẩm từ sữa chứa nhiều hormone và có thể dễ gây mất cân bằng hormone. Do đó, nếu sở hữu làn da nhạy cảm, bạn hãy cố gắng tránh tiêu thụ phô mai hoặc các sản phẩm từ sữa.
Hơn nữa, áp dụng chế độ ăn kém dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề về da.
Cách bảo vệ làn da
Cấp ẩm
Lớp màng ẩm trên da chính là hàng rào bảo vệ da tốt nhất. Khi da thiếu độ ẩm, các tạp chất càng nhanh chóng xâm nhập vào da của bạn hơn. Nếu như các tạp chất làm phá vỡ các vitamin trong da của bạn, thì điều bạn cần chính là một loại kem/gel hoặc tinh chất dưỡng ẩm chứa nhiều vitamin. Cụ thể, đó là vitamin C,E hoặc retinol. Đây là những chất có thể chống oxi hóa, làm lành các hiệu ứng tổn thương gây ra bởi các gốc tự do và tạo cho làn da hệ thống rào cản miễn dịch vững chắc.
Thanh lọc làn da
Hãy chọn những sản phẩm có chức năng thanh tẩy chất độc cho làn da. Bạn có thể ưu tiên những loại mặt nạ đất sét, đất sét trắng kaolin. Nó có tác dụng hút độc tố, cặn bã và cuốn đi lớp tế bào chết để các lỗ chân lông thoáng sạch. Sử dụng 2 tuần một lần để làn da được thanh tẩy đều đặn.
Làm sạch sâu
Mỗi ngày, nếu bạn chỉ rửa mặt sạch, dường như vẫn chưa đủ để tác động sâu vào các lỗ chân lông. Bạn có thể tham khảo một số dụng cụ hỗ trợ rửa mặt như miếng silicon, bọt xốp conjac hay các loại máy tiên tiến bằng đầu cọ như clarisonic hay bằng silicon như foreo. Những thiết bị hỗ trợ này sẽ giúp bạn tác động lực mạnh hơn để làm sạch sâu lỗ chân lông. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng quá nhiều để tránh ma xát mạnh gây tổn thương da nhé.