Trong những ngày rét đậm, rét hại áp dụng những mẹo này để khắc phục chân tay lạnh
Mùa đông, nhiều người dù đi tất, đeo găng nhưng tay chân vẫn lạnh buốt, thậm chí sau cả tiếng đồng hồ được ủ trong chăn ấm. Nguyên nhân có thể do khí huyết kém lưu không bởi thành mạch co lại, lượng máu về tay chân không đủ làm ấm bộ phận này. Người ăn uống thiếu chất, thiếu máu, huyết áp thấp hoặc mắc một số bệnh lý như suy giáp, bệnh tim mạch… cũng dễ mắc tình trạng tay chân lạnh.
Để khắc phục tình trạng tay chân lạnh trong những ngày rét đậm, bạn có thể tham khảo các mẹo sau.
Massage lòng bàn tay, bàn chân
Việc thường xuyên massage lòng bàn tay, bàn chân sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu ở vùng, máu được tăng cường về đây sẽ giúp tay chân ấm nóng.
Tập thể dục thể thao
Không có gì làm ấm cơ thể nhanh và tốt hơn vận động. Nếu cần ra ngoài, nên đi bộ nhanh để cơ thể ẩm lên. Leo cầu thang, chạy nhảy tại chỗ cũng có tác dụng tốt.
Nên tập vừa phải, đừng quá sức. Vào những ngày rét đậm rét hại, bạn nên tập trong nhà, đừng tập ngoài trời vào lúc sáng sớm, rất nguy hiểm.
Ăn uống đủ chất và lượng
Cơ thể cần nhiều năng lượng để giữ ấm trong những ngày rét đậm rét hại, vì vậy bạn đừng ăn kiêng khắc nghiệt trong thời gian này. Cần bổ sung thực phẩm giàu calo, nhiều vitamin, uống đủ nước và ngủ đủ giấc. Cơ thể khỏe mạnh sẽ có hệ tuần hoàn tốt, những vùng lạnh giá như bàn tay, bàn chân bạn mới được “ấm lây”.
Nhớ mang tất khi đi ngủ
Nhiều người tay chân lạnh nhưng vẫn giữ thói quen đi ngủ chân trần bởi họ cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi đi tất. Đây là một sai lầm khiến chân bạn khó ấm lên được, giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng. Hãy chọn loại tất có chất liệu tốt, giúp làm ấm nhưng thoáng khí. Có thể tăng cường độ ấm cho chân bằng cách xoa ít dầu nóng vào gan bàn chân trước khi chui vào chăn.
Để giữ vệ sinh chân, bạn cần thay tất thường xuyên, rửa chân thật sạch trước khi dùng tất mới.
Ngâm tay chân trong nước ấm
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên ngâm chân tay trong nước ấm khoảng 50 độ (có thể đập vào ít gừng hoặc nhỏ mấy giọt tinh dầu gừng, quế, khuynh diệp), thời gian khoảng 15-20 phút. Nước ấm không chỉ làm nóng chân tay mà còn giúp tăng tuần hoàn ở khu vực này, nhờ đó đôi chân bạn vẫn giữ được sự ấm áp sau khi rời chậu nước. Nếu có điều kiện, bạn có thể ngâm tay chân vài lần trong ngày.
Nếu cảm thấy quá lạnh, bạn nên tắm nước nóng trước đó (có thể thêm vào nước tắm mấy giọt tinh dầu gừng, quế, oải hương hay hoắc hương) để thúc đẩy lưu thông máu, giữ ấm cho cơ thể., sau khi lau khô người và mặc ấm, bạn tiếp tục ngâm chân.
Một số bài thuốc ngâm chân
Hiệu quả khắc phục chân tay lạnh của liệu pháp ngâm nước ấm sẽ cao hơn nếu bạn sử dụng các loại thảo dược. Bạn có thể tham khảo các bài thuốc sau:
– Lấy khoảng 30-50 gr ngải cứu tươi đun sôi với 1/2 nồi nước trong khoảng 10 phút. Sau đó pha thêm nước (để nhiệt độ giảm còn khoảng 45-50 độ C) thì cho thêm muối, khuấy đều rồi ngâm tay chân 15-20 phút.
– Lấy 20-30 gr gừng tươi đập dập rồi cho vào 1/2 nồi nước đun sôi trong 10 phút, đậy nắp kín để tránh bay hơi tinh chất gừng. Cho vào ít muối, pha thêm nước lạnh để nhiệt độ còn khoảng 45-50 độ C, dùng ngâm tay chân.