Tinh hoa phố giao thương tái hiện trong đại đô thị The Manor Central Park
Những khu phố có lịch sử lâu đời, quy tụ cộng đồng thương nhân tài giỏi chính là khởi nguồn cảm hứng để Bitexco kiến tạo dự án The Manor Central Park tại Tây Nam Hà Nội.
Ở Nhật Bản có một khu phố dành riêng cho người giàu mang tên Ginza – nơi được ví như “thánh địa” mua sắm sang trọng, “thiên đường” ăn chơi thời thượng bậc nhất Tokyo. Theo tính toán của cơ quan thuế Nhật Bản vào tháng 7/2020, để sở hữu một mét vuông đất ở Ginza, giới nhà giàu phải bỏ ra ít nhất 45,92 triệu yên (tương đương gần 9,9 tỷ đồng). Thậm chí, khảo sát của The Japan Times còn chỉ ra, vào thời điểm 2017, giá bất động sản tại Ginza đã lên đến 50,5 triệu yên mỗi mét vuông (khoảng gần 11,3 tỷ đồng).
Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ giá đất ở Ginza đắt đỏ như vậy bởi đây là khu vực giao thương tấp nập, quy tụ nhiều cửa hàng thời trang cao cấp với các thương hiệu hàng đầu thế giới. Các cửa hàng quần áo cao cấp, những thương hiệu giày dép xa xỉ, trang sức xa hoa… luôn nườm nượp người qua lại như Chanel, Dior, Gucci, Louis Vuitton hay các cửa hàng điện tử nổi tiếng như Sony, Apple…
Nơi đây còn nổi tiếng với cuộc sống về đêm – khi những quán bar, đường phố và câu lạc bộ đêm bắt đầu lên đèn. Hoạt động kinh doanh tấp nập suốt ngày đêm giúp khu phố này trở thành một trong những con đường mua sắm nổi tiếng thế giới.
Bên cạnh sự náo nhiệt, tấp nập, Ginza vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản với các nhà hát như Teikoku – Gekijo, Kabukiza, các phòng triển lãm, cửa hàng văn phòng phẩm hay phòng trưng bày lâu đời. Chính sự giao thoa truyền thống xen lẫn phong cách kiến trúc phương Tây đã tạo nên một Ginza náo nhiệt và hiện đại bậc nhất Nhật Bản.
Ngoài Ginza, để minh chứng cho sức hút của những phố giao thương tấp nập với giới tinh hoa thì ở bên kia bán cầu còn có Manhattan (New York, Mỹ). Những trung tâm thương mại nhộn nhịp, các tòa nhà chọc trời nổi tiếng là nét đặc trưng của nơi đây. Đặc biệt, sự hiện diện của hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa thị trường là Sở giao dịch chứng khoán New York và NASDAQ, cùng trụ sở nhiều tập đoàn đa quốc gia khiến Manhattan được ví như phố giao thương sầm uất nhất New York.
Không chỉ là trung tâm tài chính nổi tiếng, Manhattan còn được biết đến như thủ phủ văn hóa, truyền thông và giải trí của thế giới. Hiện đại là thế nhưng nơi đây vẫn thấm đẫm những giá trị lịch sử với các nhà thờ được xây dựng cách nay hàng trăm năm cùng những khu phố kiểu châu Âu. Những công trình kiến trúc độc đáo, đan xen giữa nét cổ kính và hạ tầng hiện đại cùng nhiều điểm đến danh tiếng khiến bất cứ người nào khó tính nhất cũng sẽ dễ dàng bị Manhattan chinh phục.
Manhattan được đánh giá là khu vực có cuộc sống đắt đỏ khi bất động sản luôn nằm trong top cao nhất thế giới. Năm 2019, giá thuê nhà trung bình tại đây chạm mốc 3.217 USD (khoảng 77 triệu đồng) mỗi tháng. Như vậy, họ cần 38.604 USD (gần 930 triệu đồng) để thuê nhà trong một năm – con số này cao hơn 3/4 mức lương trung bình mỗi năm của người Mỹ. Dẫu vậy, đây vẫn luôn là nơi sinh sống trong mơ của hàng triệu người trên giới, đặc biệt là những người thành đạt và giới siêu giàu.
Giống như Ginza hay Mahattan, các khu vực quy tụ đông đảo giới tinh hoa, có địa vị trong xã hội trên thế giới đều có điểm chung là buôn bán tấp nập, nhưng vẫn giàu đặc trưng văn hóa truyền thống. Ở Việt Nam, những “phố Hàng” của Thủ đô Hà Nội cũng có nhiều nét tương đồng với những tuyến phố nổi tiếng thế giới, xưa kia chính là chốn hội tụ của tầng lớp tinh hoa kinh kỳ.
Thăng Long – Hà Nội xưa vốn là cái nôi của giao thương, việc bán buôn đã sớm trở thành đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Với 36 phố hàng, nơi đây hội tụ các sản vật từ khắp nơi. Những cái tên như chợ Cửa Đông, Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Yên Thái… đều là những địa chỉ nổi danh cả trăm năm nay. Vì thế, những thương nhân năng động, các thợ thủ công lành nghề bậc nhất cả nước quy tụ về đây, góp phần tạo nên hệ sinh thái phố cổ là nơi sinh sống của các tầng lớp cư dân thượng lưu và trung lưu trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Không ít thương nhân hoặc nhóm cư dân thượng lưu mang trong mình chất tinh hoa riêng có với nền tảng tri thức văn hoá sâu sắc. Nhờ việc giao lưu, làm ăn với đối tác ngoại quốc, họ được tiếp cận luồng tư tưởng mới, tiên tiến của thế giới nhưng vẫn đau đáu trong mình các giá trị, tinh hoa văn hoá.
Có thể kể đến một gương mặt điển hình là nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Sinh ra trong một gia đình khá giả có truyền thống kinh doanh đầu thế kỷ XX, Trịnh Văn Bô được học hành tử tế, nói thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, thay vì sang Pháp học như anh trai, ông được cha giữ lại để đào tạo thành người kế thừa sản nghiệp. Lập gia đình, ông được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu Phúc Lợi.
Nhờ tài năng và kinh nghiệm vốn có của gia đình, hai vợ chồng ông nhanh chóng phát triển hiệu buôn Phúc Lợi, trở thành một nhà tư sản lớn thời bấy giờ. Hiệu buôn Phúc Lợi sản xuất và buôn bán tơ lụa sang cả các nước Đông Nam Á, thậm chí giao dịch buôn bán với thương nhân phương Tây.
Ngoài ông Trịnh Văn Bô, nhiều gia đình kinh doanh lâu đời ở Hà thành cũng quần tụ trong phố cổ – khu phố không chỉ là nơi bán buôn, mà còn lưu giữ tinh túy văn hóa, lịch sử giao thương bao đời.
Ngày nay, phố cổ Hà Nội vẫn là nơi kinh doanh tất bật, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước nhờ văn hóa đặc trưng, nhịp sống sôi động. Thế nhưng, theo thời gian, một trong những vấn đề thách thức các “phố Hàng” Hà Nội lâu nay chưa có lời giải là sự xuống cấp của hạ tầng gắn với yêu cầu bảo tồn phố cổ, cộng với sự gia tăng hữu cơ các thế hệ khiến bên trong mỗi căn nhà không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của gia chủ. Nhiều căn nhà xập xệ và chật hẹp khiến cuộc sống ngày càng bí bách. Thậm chí, nhiều gia đình cố gắng bám trụ dù điều kiện sống khó khăn và sinh hoạt chỉ bó hẹp trong diện tích khoảng 10m2.
Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, tốc độ đô thị hóa nhanh, những nhu cầu thời đại của tầng lớp thương nhân thế hệ mới đặt các nhà phát triển bất động sản trước thách thức phải tạo ra những không gian sống và kinh doanh theo chuẩn quốc tế song vẫn giữ được hồn cốt của “Hà Nội 36 phố phường” xưa kia.
Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, nét đặc trưng của phố giao thương đã truyền cảm hứng cho nhiều chủ đầu tư lớn kiến tạo không gian sống cho cộng đồng tinh hoa, trong đó có Bitexco với chuỗi khu đô thị mang thương hiệu The Manor như The Manor Hanoi, The Manor I, II Hồ Chí Minh hay The Manor Central Park ở Tây Nam Hà Nội hiện nay.
Hơn 15 năm trước, trên vùng đất hoang sơ phía Tây thành phố, The Manor Hanoi được hình thành với tâm huyết của chủ đầu tư Bitexco, là xây dựng một khu đô thị, cộng đồng để người dân sống và cảm thấy hạnh phúc.
Vượt lên giá trị thuần túy là một chốn an cư cao cấp, The Manor Hanoi hội tụ đầy đủ những yếu tố cần và đủ để mang tới một cuộc sống vừa tiện nghi vừa đẳng cấp trong một không gian sang trọng. Cộng đồng cư dân chọn lọc, có gu, văn hoá cao, văn minh và chủ động hội nhập quốc tế đã tạo nên giá trị khác biệt cho The Manor Hanoi – nơi được ví như “một Paris giữa lòng Hà Nội”.
Tiếp nối mong muốn kiến tạo môi trường sống an lành cho cộng đồng cư dân ưu tú Thủ đô, sau The Manor Hanoi, Bitexco phát triển khu đô thị The Manor Central Park với quy hoạch lên đến 89,7ha tại mặt đường Nguyễn Xiển. Không chỉ có nếp sống tại The Manor Hanoi, khu đô thị The Manor Central Park còn nổi bật bởi chức năng thương mại với những dãy phố kinh doanh trải dài bất tận dọc theo những con đường lớn, nhỏ nội khu. Bên cạnh đó là sự hiện diện của biệt thự, nhà liền kề, tạo nên một chốn an cư cho những ai mong muốn cuộc sống vừa an cư, vừa lạc nghiệp.
Cách quy hoạch theo mô hình một thành phố thu nhỏ, chia hai phần đối xứng nhau qua Công viên Trung tâm rộng lớn, gợi liên tưởng tới Manhattan (Mỹ) – nơi thu hút giới thượng lưu hàng đầu thế giới. Theo quy hoạch phân khu, Khu phố Đông nổi bật hơn về chức năng thương mại sôi động (vibrant) với hệ tiện ích nội khu đa dạng và kiểu mẫu, phố đi bộ tấp nập hay tỷ lệ áp đảo loại hình nhà phố thương mại, hứa hẹn sẽ hình thành các “phố Hàng” hiện đại đầy náo nhiệt, phồn vinh.
“Những dãy nhà phố thương mại, nhà liền kề, biệt thự… tại đây mang tinh thần của Hà Nội 36 phố phường, kế thừa nếp giao thương truyền thống thông qua không gian quy hoạch mở. Chúng tôi định hướng phát triển The Manor Central Park thành một điểm đến kinh doanh sầm uất của một cộng đồng ưu tú, tinh hoa và thịnh vượng”, ông Phan Lê Khôi, Giám đốc Marketing Công ty CP Bitexco cho biết.
Cũng theo vị đại diện chủ đầu tư này, các căn nhà phố thương mại tại đây được quy hoạch liền nhau, không có tường bao ngăn cách. Quy hoạch mở kết nối nội – ngoại khu giúp cư dân vừa có không gian riêng tư, vừa giao lưu cộng đồng, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, kinh doanh, kế thừa nếp sống tương thân tương ái của người Việt.
Ngoài những hoạt động thương mại sống động, các mặt hàng, dịch vụ đa dạng, những sự kiện, lễ hội đầy màu sắc văn hóa quanh năm cũng là kế hoạch mà Bitexco dự định phát triển tại The Manor Central Park. Với nỗ lực kiến tạo một “kỷ nguyên mới của Hà Nội 36 phố phường”, Bitexco kỳ vọng The Manor Central Park sẽ trở thành một “bất động sản điểm đến” – nơi “không thể không ghé thăm” với bất cứ du khách nào khi đặt chân đến Thủ đô.
Tâm Anh
Thiết kế: Tấn Nguyễn