Take a fresh look at your lifestyle.

Thực đơn ăn uống cho người bị ung thư

Đối với bệnh nhân ung thư, việc cân nhắc, lựa chọn các thực phẩm trong thực đơn dinh dưỡng là một điều rất cần thiết.

Vai trò của dinh dưỡng đối với người bệnh ung thư

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ung thư là căn bệnh gây chết người xếp hàng thứ 2, chỉ sau tim mạch. Đáng nói, hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh muộn.

ThS, BS Bùi Quang Biểu, Khoa Xạ trị – Xạ phẫu, Bệnh viện 108 dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong số hàng trăm nghìn ca tử vong vì ung thư mỗi năm, 80% bệnh nhân bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u.

Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Rất ít bệnh nhân quan tâm đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý. Nhiều bệnh nhân và gia đình thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Rất nhiều người bệnh ung thư bị suy kiệt không đủ sức chống đỡ với bệnh tật.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Tình trạng phổ biến trên đa số bệnh nhân ung thư hiện nay chính là suy kiệt cơ thể.

Người bệnh ung thư cần có một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Tuân thủ chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý là một phần rất quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh ung thư. Điều trị ung thư là 1 quá trình lâu dài, gồm nhiều phương pháp, do đó việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị nhằm mục tiêu là tăng cường thể lực cho bệnh nhân đồng thời giảm thiểu được những tác dụng phụ không mong muốn của các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…

Để có một sức khỏe tốt, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: Đạm-bột đường-chất béo-các vitamin và khoáng chất… Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, uống nhiều nước cũng như chế độ vận động, tập thể dục thể thao hợp lý…. sẽ giúp cơ thể có đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư chứ không phải là “dinh dưỡng làm khối u phát triển nhanh hơn” như nhiều người vẫn lo sợ. Động viên người bệnh cố gắng tuân thủ chế độ dinh dưỡng cũng là điều rất quan trọng trong cuộc chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Thực phẩm người bệnh ung thư nên ăn

– Nhóm cung cấp chất bột đường (carbonhydrat): Gạo, mì, khoai củ…

– Nhóm cung cấp chất đạm (protein): Các loại thịt trắng như: Thịt gia cầm, thịt lợn nạc, cá, hải sản… các sản phẩm từ sữa tách béo, trứng gà, các loại đậu đỗ, lạc, vừng…

– Nhóm cung cấp chất béo: Các loại dầu thực vật, mỡ cá béo…

– Nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ: Các loại rau xanh và quả chín: chuối, xoài, đu đủ, cam, quýt, thanh long… các loại rau xanh đậm như rau ngót, rau mồng tơi, cải bó xôi, súp lơ xanh, các loại cải…

Người bệnh ung thư không nên bổ sung quá nhiều thịt đỏ trong bữa ăn.

Những thực phẩm nên kiêng hoặc hạn chế

– Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu nên hạn chế.

– Các loại thức ăn nhanh, đồ chiên, xào, rán nhiều dầu mỡ không nên ăn.

– Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá cần kiêng tuyệt đối.

– Các loại thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối, kể cả hoa quả chua.

– Các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu.

– Các loại đồ ăn cứng, món ăn nhiều dầu mỡ như chiên xào, đồ nướng.

– Sữa chưa tách béo (sữa nguyên kem).

– Không nên ăn các món chưa được chế biến chín…

Cách chế biến các món ăn cho người bệnh ung thư

Rau, củ, quả non: Chế biến (xay, nghiền) thành dạng lỏng, súp để người bệnh dễ dàng sử dụng, cung cấp các dưỡng chất cần thiết, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi thể trạng.

Các thực phẩm giàu protein: Cá, thịt, trứng, sữa… hàm lượng protein có trong những loại thực phẩm này sẽ giúp cho cơ thể được bổ sung đầy đủ chất, cải thiện thể trạng, phục hồi sức khỏe sau các đợt điều trị, mang đến cho bệnh nhân một sức khỏe tốt nhất để tiếp tục chống chọi với bệnh tật, cũng nên nấu nhừ hoặc xay để dễ nuốt, dễ hấp thu hơn.

Chế độ ăn phù hợp phải căn cứ vào thể trạng của người bệnh.

Trên thực tế, tế bào ung thư có phát triển được hay không phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt… sẽ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Nếu “đói”, bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết do bệnh ung thư.

Nước ép hoa quả: Có chứa các loại vitamin, chất khoáng… cần thiết dễ uống rất phù hợp cho các bệnh nhân bị tổn thương vùng họng, không thể ăn các loại thực phẩm cứng.

Bột ngũ cốc, sữa: Dễ sử dụng, dễ nuốt và dễ tiêu hóa, phù hợp với người bệnh ung thư vòm họng.

Một số vấn đề cần lưu ý trong ăn uống

Nếu gặp phải tình trạng buồn nôn sau hóa xạ trị thì cần chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa chứ không phải chỉ ăn 3 bữa một ngày.

Nếu tình trạng dạ dày không tốt, thử chế độ ăn lỏng như cháo loãng, sữa hoặc nước hoa quả hoặc thực phẩm dễ tiêu hóa như bánh mì, bánh qui…

Nếu bị tiêu chảy sau hóa xạ trị, bổ sung các thực phẩm giàu natri và kali như chuối, cam, đào, nước ép mơ, khoai tây luộc, tránh các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ…

Uống nhiều nước, uống từ từ từng ngụm nhỏ giúp hạn chế tình trạng khô miệng sau hóa xạ trị.

Kết hợp ăn uống đầy đủ với đi lại vận động nhẹ nhàng để quá trình tiêu hóa và trao đổi chất diễn ra tốt hơn.

Như vậy, chế độ ăn của bệnh nhân ung thư cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ về dinh dưỡng. Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thành công của điều trị. Tùy từng người, từng bệnh ung thư lại có những yếu tố khác nhau, sở thích và thói quen ăn uống khác nhau, do đó người bệnh ung thư nên gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn, trao đổi và thiết lập một thực đơn ăn phù hợp cho riêng mình.

Lan Anh