Những lợi ích khi ăn tỏi vào mùa đông
Tỏi có đặc tính kháng virus, chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường miễn dịch, giảm ho và cảm lạnh trong mùa đông.
Chống ho và cảm lạnh
Vào mùa đông, cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, gây ra cảm lạnh và ho. Tỏi có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn mạnh mẽ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh ho và cảm lạnh trong mùa đông. Bên cạnh việc sử dụng tỏi như một loại gia vị có thể ăn sống tỏi để tăng cường miễn dịch và phòng ngừa cảm lạnh thông thường.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Nhiệt độ thấp trong mùa đông làm ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và tạo điều kiện cho các mầm bệnh dễ dàng xâm nhập cơ thể.
Tỏi có tác dụng điều hòa miễn dịch vì chứa nhiều allicin, giúp duy trì cân bằng nội môi của hệ thống miễn dịch. Đồng thời, allicin còn giúp thúc đẩy sản xuất tế bào bạch cầu trong cơ thể, ngăn chặn các cytokine gây viêm, tăng cường miễn dịch và ngăn chặn mầm bệnh.
Giữ ấm cơ thể
Nhiệt độ thấp trong mùa đông làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiêu hóa và hô hấp. Tỏi có vị cay nồng do chứa nhiều tamasic và rajasic. Vị cay nồng của tỏi giúp giữ ấm cho cơ thể.
Bên cạnh đó, tỏi còn hoạt động như một chất lọc máu, giúp cải thiện việc sản xuất máu, gián tiếp làm tăng nhiệt độ của cơ thể.
Chống dị ứng mùa đông
Hàm lượng ethyl acetate trong tỏi đen lâu năm có tác dụng chống dị ứng. Tỏi có khả năng ngăn chặn sự giải phóng beta-hexosaminidase và TNF-α, giúp ngăn ngừa các phản ứng dị ứng mùa đông như hen suyễn, hắc hơi, sổ mũi, dị ứng trên da.
Kiểm soát cholesterol
Mùa đông làm tăng nguy cơ tái phát các bệnh về tim mạch do sự gia tăng nồng độ cholesterol trong huyết thanh. Tỏi giúp giảm cholesterol xấu và giữ cho trái tim khỏe mạnh do chứa nhiều kali và magie.
Duy trì tiêu hóa tốt
Cơ thể ở nhiệt độ lạnh trong thời gian dài sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất bao gồm cả tiêu hóa để bảo tồn năng lượng và nhiệt. Tỏi là một trong những bài thuốc dân gian giúp điều chỉnh tiêu hóa và cải thiện sự trao đổi chất của cơ thể.
Ngăn ngừa đau răng
Mùa đông gây ra nhiều vấn đề về răng miệng và nướu. Nhiệt độ thấp làm giảm lưu lượng máu và tăng áp lực trong các dây thần kinh miệng, dẫn đến đau và ê buốt răng.
Vị cay của tỏi có thể tăng cường cung cấp máu đến các vùng răng, nướu. Đồng thời, đặc tính chống viêm của tỏi còn có tác dụng giảm đau và sưng răng, nướu. Ngoài ra, tỏi cũng giúp giảm nguy cơ viêm nha chu và sâu răng do sự hiện diện của allicin.
Thanh Hương/TH