Nhà khoa học nữ 35 năm đưa nghiên cứu tim mạch Việt lên bản đồ y học thế giới
Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Thanh Hương (sinh năm 1961 ở Hà Nội). Chị là cá nhân duy nhất được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.
Chị Trương Thanh Hương sinh ra và lớn lên giữa những năm tháng đất nước chia cắt Bắc-Nam, chìm trong khói lửa bom đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bố đi bộ đội ở chiến trường B (chiến trường Quảng Trị), từ khi lên 4 tuổi, chị phải theo mẹ sơ tán lên khu Hòa Bình.
Ba năm sống trong khu vực sơ tán, chị Hương thường xuyên tiếp xúc với bộ đội, thương bệnh binh, các bác sĩ quân y. Hình ảnh những người chiến sĩ bộ đội bị thương nặng, khuyết tật do sự tàn phá của chiến tranh luôn hằn sâu trong tâm trí của chị. Đó cũng là một trong những lý do sau này chị quyết tâm theo nghiệp bác sĩ.
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, chị thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Sinh viên trường y ngày đó còn vô vàn khó khăn, chủ yếu các môn học đều là lý thuyết, quan sát các bộ phận cơ thể người qua hình vẽ, mô hình, ít được tiếp xúc với bệnh nhân và thực hành lâm sàng không nhiều. Chị thường xuyên phải tự nghiên cứu thêm các tài liệu trên thư viện và trao đổi với các thầy cô bộ môn để hiểu bài.
Năm 1984, khi tốt nghiệp chuyên ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội loại giỏi, chị quyết định tiếp tục thi lên bậc bác sĩ nội trú chuyên về tim mạch.
Sau hơn 2 năm học, chị tốt nghiệp bác sĩ nội trú với số điểm cao và được tiếp nhận công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời là giảng viên tại Đại học Y Hà Nội.
Là một trong hai bác sĩ nội trú tim mạch khóa đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, phó giáo sư Hương khi ấy được nhà nước cử đi học chuyên sâu hơn về tim mạch học lâm sàng và siêu âm – doppler tim tại Đại học Paris VI (Pháp).
Năm 1997, trở về nước, chị là một trong số rất ít bác sĩ hồi đó có kiến thức chuyên môn cận lâm sàng chuẩn chỉnh, tiệm cận với y học hiện đại trên thế giới. Các thầy, các giáo sư gạo cội của ngành y lúc đó hầu hết đều mong muốn phát triển chị theo con đường siêu âm tim.
35 năm công tác tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội, phó giáo sư Trương Thanh Hương đã nghiên cứu, chuyển giao nhiều công trình khoa học có liên quan tới bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim.
Chị chủ trì 19 đề tài khoa học các cấp, công bố 75 bài báo khoa học trong nước và quốc tế. Song hành với nghiên cứu, chị hướng dẫn cho trên 100 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa và là chủ biên soạn thảo của 20 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu y khoa có giá trị học thuật nổi tiếng.
Công trình nghiên cứu chị tâm đắc nhất là “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam”. Đề tài này xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sơ y tế.
Bệnh di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Ước tính, tại Việt Nam có gần 500 nghìn bệnh nhân mắc bệnh này. Đó là lý do cần ngăn chặn việc phát tán nguồn gen bệnh và phòng chống biến chứng gây tàn phế, thậm chí gây tử vong như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xơ vữa động mạch.
Chị tự hào, nhờ công trình nghiên cứu này mà bệnh nhân có thể tiếp cận được công nghệ chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tối ưu. Đồng thời nghiên cứu giúp giảm chi phí điều trị biến chứng, bảo toàn lực lượng lao động vì biến chứng của bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ.
Là bác sĩ, nhà khoa học nữ nổi tiếng, chị cho rằng, phụ nữ làm khoa học có nhiều lợi thế và dễ thành công hơn nam giới. Theo chị, đức tính đầu tiên để trở thành nhà khoa học thành công là trung thực. Chúng ta cần trung thực với bản thân, trung thực với bệnh nhân và trung thực những số liệu kết quả mình nghiên cứu.
“Khi làm việc, nếu phát hiện bác sĩ trẻ nào không cẩn thận, không trung thực trong khám chữa bệnh, phân loại mẫu bệnh phẩm, số liệu công bố quốc tế… thì tôi sẽ khuyên bạn đó nên làm việc khác. Sự cẩu thả và không trung thực trong y học ảnh hưởng không chỉ một mà đến rất nhiều người”, chị Hương nói. Không chỉ trung thực, sự trách nhiệm và kỷ luật cao độ là những đức tính nhà khoa học, bác sĩ cần có.
Được hướng dẫn tận tình hơn 6 năm qua trong chuyên ngành tim mạch, bác sĩ Kim Ngọc Thanh- Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ cô giáo Thanh Hương luôn tận tình với bệnh nhân. Sự đồng cảm với bệnh nhân là điều tốt đẹp nhất cô đã, đang dạy cho từng thế hệ học trò Đại học Y Hà Nội.
Bác sĩ Thanh từng là du học sinh, nhiều năm nghiên cứu ở Pháp, Úc, Mỹ, được tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp, chuyên gia nổi tiếng. Anh thấy những công trình, hướng nghiên cứu và trăn trở trong khoa học của cô Hương luôn song hành với các nhà khoa học, nhà lâm sàng lớn trên thế giới. Chuyên môn nghiên cứu tim mạch lâm sàng của cô Hương không hề đi sau, mà ngang bằng và có phần tiến bộ hơn.
“Được làm học trò của cô Hương là điều may mắn với tôi, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học. Mỗi khi công bố một đề tài nghiên cứu nào đó với thế giới, tôi luôn tự tin, không thua kém đồng nghiệp quốc tế. Bởi giáo viên của tôi có nền tảng vững chắc, am hiểu sâu và một suy nghĩ khoa học cấp tiến”, vị bác sĩ trẻ tâm sự.
Một đại diện của Đại học Y Hà Nội đánh giá, những công trình nghiên cứu của phó giáo sư Trương Thanh Hương đóng góp một phần không nhỏ là cầu nối giúp ngành y tế Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế. Kết quả những công trình khoa học của chị góp phần lớn vào các nghiên cứu, phương pháp khám chữa bệnh được các nước, tổ chức khoa học trên thế giới áp dụng.
Nhờ đó, nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp cận môi trường khoa học quốc tế, từ đó học tập và phát triển năng lực tối ưu, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.