ĐBSCL ĐÓN “LŨ” TỪ NGÀY 9/10
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, nước lũ sẽ về ĐBSCL và đỉnh lũ rơi vào các ngày từ hôm nay đến 11/10, trùng với kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch. Dù mùa lũ năm 2022 về muộn và ở mức thấp (dự báo dưới báo động 1), song đây vẫn được nhận định là có đỉnh lũ cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và sản xuất, đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ.

Mùa lũ năm nay về muộn hơn mọi năm, nhưng tại các huyện đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp, nước vẫn tràn bờ trên những cánh đồng, bồi đắp phù sa. Nông dân cũng tất bật chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt, đem về nhiều sản vật thiên nhiên.

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định, lũ chính vụ ở mức thấp, nên hầu như không ảnh hưởng đến sản xuất trên địa bàn các tỉnh vùng thượng ĐBSCL.Tuy nhiên, do triều dự báo ở mức cao hơn khá nhiều trung bình nhiều năm, nên cần đề phòng những khu vực sản xuất chịu tác động mạnh của thủy triều cụ thể là vùng giữa và vùng ven Biển ĐBSCL, đặc biệt là những khu sản xuất có cao trình ô bao thấp, hoặc bị xuống cấp. Khi lũ kết hợp triều cường sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến các khu vực thấp trũng trên 2 vùng này.

Ông Nguyễn Huy Khôi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam
“Lũ tuy nhỏ, nhưng triều cường đã và đang có xu thế gia tăng nên các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển cần rà soát củng cố các tuyến đê, bờ bao bảo vệ sản xuất và dân cư cũng như đề phòng sạt lở khi triều lên. Trong kỳ triều cường nếu xảy ra mưa lớn sẽ gây ra ngập úng nhất là các tỉnh thuộc trung tâm vùng BĐCM.”
Theo dự báo, mưa trên lưu vực sông Mekong kết thúc trễ nên khả năng lũ xuống chậm và có thể kết thúc vào tháng 11. Về cuối mùa lũ, các địa phương ĐBSCL cần chủ động các giải pháp trữ nước để ứng phó với mùa hạn mặn sắp tới.
Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.
Phạm Tuấn