Cho bé học bơi mẹ cần lưu ý gì?
Đi bơi là điều rất tốt đối với trẻ em, nó không chỉ giúp cho các em có thể vận động mà còn giúp cho các bé về mặt tinh thần nữa. Nhưng khi dẫn các trẻ đi bơi phụ huynh cũng cần phải lưu ý một số điều sau đây:
Chuẩn bị cho trẻ trước khi đi bơi
Hãy chuẩn bị cho trẻ các vật dụng như khăn lông, dầu gội, xà bông tắm, thuốc nhỏ mắt, dầu nóng, đồ bơi, kính, phao, mũ, kem chống nắng. Do da trẻ nhạy cảm nên bạn cần lưu ý chọn mua đúng loại kem chống nắng dành cho trẻ nhỏ. Không nên đưa trẻ đi bơi trong khoảng thời gian nắng gắt bởi khi đó nhiệt độ cơ thể của trẻ đang cao, mồ hôi ra nhiều, nếu gặp nước sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh.
Bảo vệ mắt, tai, mũi, họng của trẻ
Việc trẻ em đi bơi thường xuyên sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang các bệnh về tai mũi họng, đặc biệt là tai. Bởi không phải hồ bơi nào cũng sạch sẽ, an toàn. Việc đi bơi sẽ khiến cho nước vào tai, gây viêm tai, đau nhức, chảy mủ…
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ nên giới hạn thời gian cho trẻ bơi. Đối với trẻ mới tập bơi, thời gian ở dưới nước mùa hè không nên kéo dài quá 30 phút. Vào cuối hè, đầu thu khoảng thời gian bơi nên rút ngắn xuống còn khoảng 15 – 20 phút. Sau khi trẻ bơi xong, trẻ phải xì mũi thật sạch và đẩy nước ra khỏi tai. Sau khi bơi lội, cha mẹ nên nhỏ argyrol 1 – 2% vào mũi của trẻ, sau đó súc miệng và họng bằng nước muối. Nếu trẻ đang bị đau mắt, viêm tai, mũi họng, sổ mũi… tạm thời không nên bơi lội.
Đề phòng nhiễm lạnh
Dù đang vào mùa hè nhưng vẫn phải chú ý đề phòng nhiễm lạnh cho trẻ, nhất là nhiễm lạnh đột ngột, rất nguy hiểm. Vào buổi sáng khi trời còn mát, nước trong bể bơi hoặc dưới sông, hồ khá lạnh, không nên để trẻ cởi quần áo nhảy xuống nước ngay mà phải khởi động đầy đủ, tập thể dục hoặc tham gia một số trò chơi trên bờ để làm nóng cơ thể trước khi xuống nước.
Không nên bơi trước và sau khi ăn
Bơi khi đói sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn và chức năng Tiêu hóa của trẻ, hoặc có thể xảy ra tình trạng chóng mặt và mất sức. Bơi trong lúc dạ dày còn quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, khiến việc tiêu hóa bị cản trở, ngoài ra còn có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn… Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ các món chế biến từ rau, củ, quả hơn là các món từ chất béo, thức ăn nhanh và cho trẻ xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ đồng hồ.
Không phải trẻ nào cũng có thể đi bơi
Những trẻ sau đây không nên tham gia hoạt động bơi lội:
– Trẻ mắc bệnh hen phế quản khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.
– Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn… khi đi bơi sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
– Trẻ bị viêm da dị ứng: Hoá chất được pha trong nguồn nước của hồ bơi gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sỹ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.
Những lưu ý khi cho trẻ học bơi vào mùa hè
Tiêu chuẩn vệ sinh của hồ bơi
Cha mẹ phải kiểm tra xem bể bơi đăng ký cho con mình có đáp ứng các điều kiện cơ bản về vệ sinh và an toàn không. Cần đảm bảo hồ bơi đã được kiểm định về chất lượng, nước hồ không có mùi clo nặng.
Nước hồ bơi phải trong, màu xanh nhạt như màu trời, không có vẩn đục hay rác. Tuyệt đối không nên bơi ở hồ nước có màu xanh ngắt vì có mùi kim loại, còn nước hơi nhớt chứng tỏ nước được khử khuẩn bằng Sulfat đồng nên sẽ không tốt. Cha mẹ cần tránh cho trẻ học ở ở những bể bơi quá đông người.
Tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp
Làn da mỏng manh của trẻ dễ bị tổn thương do tia cực tím. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ bơi trong trong nhà hoặc bể bơi có bóng râm. Nếu vào mùa hè, cho trẻ học bơi ngoài trời sẽ không tốt, tổn thương do ánh nắng sẽ tích tụ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nếu trẻ phải bơi ngoài nắng, cha mẹ cần tránh cho trẻ bơi vào giữa trưa (vì đây là thời điểm tia UV chiếu mạnh nhất). Đồng thời hãy bôi kem chống nắng cho trẻ với chỉ số chống nắng SPS từ 15 trở lên, có khả năng không thấm nước. Nên sử dụng các sản phẩm kem, lotion tốt hơn dạng kem phun vì nó có thể giữ được trên da lâu hơn.
Để đạt hiệu quả chống nắng cao thì cha mẹ nên bôi kem chống nắng cho trẻ trước khi bơi ở ngoài trời ít nhất 30 phút và bôi lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ hoặc sau khi tắm.
Độ tuổi hợp lý cho bé học bơi
Theo báo cáo của AAP, tại Mỹ năm 2017, ước tính có khoảng 8.700 trẻ dưới 20 tuổi đến khoa cấp cứu bệnh viện vì đuối nước. Những đứa trẻ trong độ tuổi 1 – 4 tuổi có nguy cơ cao nhất bị tai nạn đuối nước vì thiếu các rào cản ngăn chặn việc tiếp cận nước
AAP khuyên cha mẹ nên cho trẻ học bơi khi qua 1 tuổi giúp trẻ ngăn ngừa tai nạn, thương tích và tử vong liên quan đến bơi lội. Bé dưới 1 tuổi cơ thể còn yếu, thân nhiệt cũng chưa ổn định và còn chưa biết làm chủ vận động nên rất dễ sốc nhiệt khi tiếp xúc với nhiều nước.
Làn da bé dưới 1 tuổi cũng rất nhạy cảm và chất tẩy ở hồ bơi dễ khiến bé bị viêm da. Do vậy, cha mẹ hãy đợi trẻ được 1 tuổi rồi cho học bơi.
Lựa chọn hồ bơi
Trước khi ghi danh cho con đi học bơi ở một hồ bơi hay trung tâm thể dục thể thao nào đó, bố mẹ nên tìm hiểu và có các lựa chọn.
Tham quan hồ bơi, nơi mà bạn định đăng ký cho con học và tìm hiểu về lịch vệ sinh của hồ bơi: Vấn đề vệ sinh bể bơi là vô cùng quan trọng, điều này đảm bảo sức khỏe cho bé. Hồ bơi cần phải sạch sẽ, nước hồ trong, được làm vệ sinh đúng thường xuyên. Ngoài ra, cả khu vực xung quanh hồ cũng cần được giữ sạch sẽ, thùng rác có nắp đậy phải được lắp ở những vị trí dễ thấy.
Giáo viên dạy bơi: Hãy tìm hiểu giáo viên nào sẽ dạy bơi cho con bạn và trao đổi với họ để biết số lượng học viên mà họ phải phụ trách trong một ca dạy. Việc phải dạy quá nhiều trẻ trong cùng một ca thường khiến giáo viên không thể bao quát hết các học viên, ảnh hưởng đến việc tiếp thu của trẻ. Trong một ca dạy, mỗi giáo viên chỉ nên phụ trách khoảng 6 – 8 học viên mà thôi.
Các nguyên tắc an toàn dưới nước
Cho con học bơi thôi vẫn chưa đủ để giúp bé tránh được các nguy hiểm ở dưới nước. Bên cạnh đó, bạn còn cần kết hợp:
– Tại hồ bơi: Hãy chắc chắn rằng bể bơi có đủ người cứu hộ, và những người này ở đủ gần để có thể hỗ trợ ngay lập tức;
– Tại bãi biển: Làm theo các cảnh báo và ký hiệu của đội cứu hộ; luôn bơi cùng với con và đứng ở vị trí sâu hơn bé.
– Tại nhà: Nếu nhà bạn có hồ bơi, cần trang bị đầy đủ các phương tiện cứu trợ. Không cho bé tự bơi trừ khi có sự hiện diện và quan sát của người lớn, làm một hàng rào bảo vệ cao ít nhất là 1,2m quanh hồ bơi.
Ăn nhẹ trước khi bơi
Trước những buổi học hãy cho trẻ ăn nhẹ để trẻ đủ năng lượng tham gia tiết học, tránh tình trạng mệt mỏi và không muốn đến lớp.
Mẹ nên cho bé ăn trước khi bơi 30 phút để dạ dày có thể tiêu hóa hết thức ăn. Nếu là thức ăn đặc thì phải ăn trước khi bơi 1 tiếng.
Sau khi bơi xong cũng cần bổ sung dinh dưỡng bởi bơi lội là môn thể thao tiêu tốn nhiều calo. Mẹ nhớ mang theo một bình nước khi cho bé đi tập bơi vì uống đủ nước khi tập luyện giúp bé tránh bị chuột rút.
Hải Anh/TH