Cách nhận biết các loại nấm độc mọc trong tự nhiên
Nấm ô tán trắng phiến xanh chứa độc tố gây rối loạn tiêu hóa, tên khoa học là Chlorophyllum molybdites. Nấm thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi đất mùn, xốp trong tự nhiên.
Trên bề mặt mũ nấm có các vẩy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ. Phiến nấm lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ.
Cuống nấm có màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ, chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc, cuống dài 10 – 30 cm. Mũ nấm này lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt.
Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính 5 – 15 cm, trên bề mặt mũ có các vảy mỏng màu nâu bẩn dày dần về đỉnh mũ. Thịt nấm có màu trắng.
Loại nấm này có độc tố gây rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy nhiều) có thể gây tử vong do mất nước, điện giải, nhất là khi bệnh nhân có các bệnh lý mạn tính khác. Chất độc tác động nhanh chóng gây buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, chuột rút và tiêu chảy. Triệu chứng xuất hiện sớm sau ăn từ 20 phút – 4 giờ.
Xử trí kịp thời khi có dấu hiệu ngộ độc nấm
Cách tốt nhất là tuyệt đối không ăn những loại nấm mọc hoang dại, chỉ ăn những loại nấm mình biết chắc đó là nấm an toàn.
Thực tế, các bệnh nhân không may ăn phải các loại nấm gây ngộ độc nặng thường xuất hiện các triệu chứng ngộ độc khá muộn. Khi đó các chất độc đã vào sâu cơ thể, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như hết tác dụng, các bệnh nhân đến viện muộn, bị tổn thương đường tiêu hóa, viêm gan, suy thận rất dễ tử vong, tỷ lệ tử vong thường rất cao tới 50% hoặc có thể hơn.
Biện pháp sơ cứu ban đầu, nếu nạn nhân còn tỉnh, uống được thì cho uống nhiều ORESOL hoặc nước khoáng, nước quả thậm chí nước rau củ quả luộc pha chút muối, sau đó nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, hồi sức và giải độc.
Nấm trồng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc
Không thể biết đích xác có bao nhiêu loài nấm rừng, trong đó bao nhiêu loài gây độc và những loài nấm nào có thể sử dụng làm thực phẩm. Số ca ngộ độc nấm rừng thường là bà con ở các tỉnh miền núi.
Tuy nhiên, trước sở thích ưa khám phá những nét đẹp hoang sơ của núi rừng và thói quen ăn uống, thích những thực phẩm, sản vật từ núi rừng, nhu cầu ăn chay… cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ngộ độc. Do đó, khi lựa chọn nấm để chế biến trong bữa ăn, chúng ta cần thận trọng.
Để mua nấm tươi chuẩn, người tiêu dùng cần chú ý đầu tiên đến màu sắc của nấm, nấm tươi, mới sẽ không dập nát, dính bẩn và có mùi thơm tự nhiên. Nếu nấm ngả màu sang màu khác màu tự nhiên của nấm và có mùi hôi thì đó có thể là nấm đã để lâu ngày và bảo quản không tốt.
Trên thị trường có nhiều loại nấm ăn khác nhau nên khi mua nấm phải chú ý đến cơ sở sản xuất uy tín, ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì nếu là các sản phẩm được đóng gói. Ngoài ra phải chú ý đến những đặc điểm của loại nấm. Ví dụ loại nấm có chóp to như nấm sò, nấm hương tươi phải quan sát màu sắc của chóp nấm, cuống nấm phải chắc chắn, không gãy, bở và màu sắc tươi. Nếu là nấm mũ mỏng, mũ đã nở thành lá thì màu cũng phải tươi và các tia, cánh mỏng bên dưới mũ nấm phải đều, khô ráo.
Nấm được nuôi phôi tự nhiên không thuốc sẽ có mùi thơm tự nhiên dễ chịu, tuyệt đối không chọn những loại nấm có mùi hắc khó chịu vì có thể có thuốc.
Chế biến nấm đúng cách và ăn hết trong bữa ăn, không nên để lại nấm thừa qua đêm dù là trong ngăn mát tủ lạnh để bảo đảm sức khoẻ cho mọi người.
Hạnh Chi-t/h