Biên pháp ngăn chặn sự vòi vĩnh ở trẻ
Con trẻ thường hay học thói vòi vĩnh nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể đáp ứng mọi mong muốn của chúng. Đôi khi bạn cần nói ‘không’ trước yêu cầu của con nhưng đừng nên làm chúng thất vọng hặc buồn rầu.
Thỏa hiệp là sai lầm
“Con muốn rô bốt cơ…”, cậu bé hét to, chân dậm mạnh xuống đất bắt ba mẹ mua bằng được bộ đồ chơi trong cửa hàng. Càng dỗ dành, bé càng được thể gào lên, khóc nức nở. Nài nỉ không được, dọa nạt không xong, cuối cùng, đôi vợ chồng trẻ đành phải mua rô bốt cho cậu con trai 3 tuổi. Có được con robot trong tay cậu bé lộ vẻ hân hoan vui sướng, còn bố mẹ thì ngược lại bực bội, bất lực.
Những phản ứng thỏa hiệp như cặp vợ chồng trẻ trên đây là điều khá thường gặp. Đứng trước một đứa trẻ vòi vĩnh, bạn thường buông xuôi vì nhiều lý do khác nhau. Có người vì không muốn nhìn con khóc lóc, ăn vạ. Người thỏa hiệp để tránh đánh đòn con. Người lại làm theo yêu cầu của trẻ vì bất lực trong thuyết phục bé. Cũng có người đơn giản chỉ làm thế để cho yên chuyện. Có người thỏa hiệp với con ngay từ đầu nhưng đại đa số nói “không” rồi lại làm theo yêu cầu của trẻ.
Nói “không” với vòi vĩnh
Để làm được điều này, trước hết, bạn nên lắng nghe và dành thời gian suy xét lời đề nghị của bé, không nên phản ứng ra mặt ngay để từ chối. Tuyệt đối tránh thái độ gạt phắt: “Đòi cái vớ vẩn. Thôi đi” ngay khi vừa nghe con nói. Cách nói của cha mẹ đôi khi chính là ngòi châm cho sự giận dữ của trẻ chứ không phải yêu cầu không được đáp ứng. Hãy nói “không” bằng sự chân thành, coi trẻ như bạn. Ví dụ, bạn có thể nói: “Ở nhà con đã có rất nhiều robot rồi, mua thêm ngay bây giờ có cần thiết không?” hay cụ thể: “Tuần này mẹ chỉ có 50.000 đồng mua đồ chơi, đầu tuần mẹ mua hết siêu nhân cho con rồi.”
Trước mỗi đòi hỏi của con, bạn cũng nên phân tích cụ thể để trẻ hiểu tại sao yêu cầu không được đáp ứng. Khi bé có thể dự đoán được quyết định của cha mẹ, bạn hãy khẳng định câu trả lời “không”. Đồng thời, hướng trẻ vào cái khác, có thể đáp ứng được, lại phù hợp hơn. Hoặc bạn gắn nó với một thời điểm mua khác. Đó có thể là quà sinh nhật, là phần thưởng do sự nỗ lực trong ăn uống, đi học của trẻ, chứ không phải cứ muốn là được.
Cuối cùng bạn cần kiên nhẫn trước sự phản ứng của bé, không nên quá dễ dàng thay đổi câu trả lời “không” thành “có”. Điều này chỉ khiến trẻ càng “lấn át” hơn thôi.
2 bước nói không với “vòi vĩnh”
Chuẩn bị tâm lý: Đừng nghĩ nếu mình không đáp ứng yêu cầu của con, bé sẽ bị tổn thương. Ngược lại, đây là cơ hội để bạn giảng giải, bồi dưỡng cho con sự kiên nhẫn, biết cảm thông với hoàn cảnh của gia đình.
Nhượng bộ tạm thời: Khi trẻ muốn một thứ gì mà bạn không thể đưa, hãy nói với con rằng: “Mẹ chỉ có thể cho con mượn chơi một lúc rồi trả lại mẹ nhé”. Sau đó, khi trẻ chơi được một lúc thì nhắc bé trả lại cho bạn.
Ngọc Anh (T/h)