Bí quyết giúp trẻ có một giấc ngủ ngon
Giúp con trẻ có giấc ngủ tốt là điều mà các bậc phụ huynh nên làm để giúp con phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Đối với trẻ em, giấc ngủ quan trọng như thức ăn và nước uống hàng ngày. Một giấc ngủ sâu là điều rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
Ngủ đủ giấc giúp trẻ gia tăng khả năng tập trung, tỉnh táo và thông minh. Theo các chuyên gia y tế, việc thiếu ngủ liên quan chặt chẽ đến bệnh lý béo phì, mất tập trung, mệt mỏi, rối loạn hành vi khiến trẻ dễ trở nên cáu gắt, bốc đồng và tăng động.
Nếu thường xuyên ở trong tình trạng này sẽ phát triển chậm hơn so với các trẻ khác và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Một đêm ngon giấc với số giờ đủ và chất lượng sẽ giúp trẻ phát triển hoàn thiện và hầu hết chúng sẽ đều đặn tự thức dậy vào buổi sáng.
Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Thời gian ngủ mỗi ngày thay đổi theo cơ địa và bị chi phối bởi nhiều yếu tố và nhu cầu ngủ giảm dần theo độ tuổi của trẻ.
Làm thế nào để trẻ có ngủ ngon?
Thiết lập thói quen trước khi đi ngủ
Một thói quen đi ngủ đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi đêm về cơ bản sẽ tạo nên giấc ngủ ngon và sâu. Thói quen tắm, kể chuyện trước khi đi ngủ có thể giúp trẻ nhỏ cảm thấy an yên cho giấc ngủ tốt. Đối với trẻ lớn hơn, thói quen có thể thay đổi như trò chuyện nhẹ nhàng với bố mẹ về kế hoạch của ngày hôm sau. Cha mẹ cần dành thời gian chút ít cho con trẻ để tạo thói quen đi ngủ đúng giờ.
Thư giãn trước khi đi ngủ
Khuyến khích con bạn thư giãn trước khi đi ngủ. Trẻ lớn hơn có thể thích thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc tập thở để thư giãn.
Nếu con bạn mất hơn 30 phút để đi vào giấc ngủ và bạn không có nhiều thời gian thì lại càng phải giúp con thư giãn trước khi vào giấc ngủ. Một khi con đã tạo được thói quen, bạn sẽ không cần phải mất nhiều thời gian cho con nữa. Bản năng con trẻ sẽ tự thiết lập sau một khoảng thời gian thư giãn đều đặn.
Giữ giấc ngủ và thời gian thức dậy đều đặn
Giữ thời gian biểu cho giấc ngủ và thời gian thức dậy của con bạn đều đặn mỗi ngày là cần thiết. Điều này giúp giữ cho đồng hồ sinh học của con bạn hoạt động đều đặn. Và điều ấy cần thực hiện mỗi ngày ngay cả khi cuối tuần và ngày lễ.
Không nên kéo dài giấc ngủ trưa
Hầu hết trẻ em ngừng ngủ trưa từ 3-5 tuổi. Nếu con bạn trên 5 tuổi vẫn ngủ trưa trong ngày, hãy cố gắng giữ giấc ngủ ấy không được kéo dài quá 20 phút và không muộn hơn đầu giờ chiều. Những giấc ngủ dài hơn và muộn hơn có thể khiến trẻ khó ngủ hơn vào ban đêm.
Đảm bảo con bạn cảm thấy an toàn vào ban đêm
Nếu con bạn cảm thấy sợ hãi khi đi ngủ hoặc ở trong bóng tối, bạn có thể giúp con bình tĩnh và giảng giải cho chúng về việc không có gì khó khăn và sai trái nếu tắt đèn.
Tránh các chương trình truyền hình đáng sợ, ma quỷ hoặc kinh dị. Một số trẻ em mắc chứng sợ đi ngủ cảm thấy dễ chịu hơn khi có đèn ngủ thì cũng không phải là đáng lo sợ nếu điều ấy làm chúng an lòng.
Kiểm tra tiếng ồn và ánh sáng trong phòng ngủ của con bạn
Kiểm tra xem phòng ngủ của con bạn có quá nhiều hay quá ít ánh sáng không? Hoặc quá ồn ào hay lạnh lẽo không? Ánh sáng từ ti vi, màn hình máy tính, điện thoại là thủ phạm trì hoãn cơn buồn ngủ. Bạn cần đảm bảo không có thứ ánh sáng ấy ở gần nơi con trẻ ngủ hoặc tắt hoàn toàn.
Không ăn quá nhiều buổi tối
Đảm bảo rằng con bạn có một bữa ăn tối vừa đủ vào một thời điểm hợp lý. Cảm giác đói hoặc quá no quá trước khi ngủ có thể khiến trẻ tỉnh táo hoặc khó chịu. Điều này có thể khiến con bạn khó ngủ hơn.
Tận dụng ánh sáng tự nhiên trong ngày
Khuyến khích con bạn phơi ở ánh sáng tự nhiên nhất có thể trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng. Ánh sáng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe con trẻ. Điều này giúp con bạn cảm thấy tỉnh táo vào ban ngày và buồn ngủ vào thời điểm đêm tối.
Tránh caffein
Caffeine có trong nước tăng lực, cà phê, trà, sô cô la và cola. Khuyến khích con bạn tránh những điều này vào buổi chiều muộn và buổi tối, không cho chúng ăn vào những thời điểm này.
Hải Minh/Theo Raisingchildren.net.au