Học cách biến điểm yếu thành điểm mạnh: Khi những điều không hoàn hảo có thể giúp bạn trở nên hoàn hảo hơn
Ai cũng là một chiếc bình nứt không hoàn hảo, chỉ có điều người ta có tìm ra vết nứt của mình và biến nó thành lợi thế hay không mà thôi.
Tôi từng nghe câu chuyện về chiếc bình nứt, rằng một người đàn ông chở nước bằng hai chiếc bình nứt, nhưng khi về đến nhà thì nước ở chiếc bình nứt vơi đi còn có một nửa. Nhưng điều đó cũng không hề gì vì ông đã gieo hạt giống ở phía bên đường mà chiếc bình nứt rò rỉ, nhờ được tưới tắm mà ven đường đã trổ lên những bông hoa tươi đẹp.
Chà, quả là một câu chuyện hư cấu truyền cảm hứng về việc biến nhược điểm thành ưu điểm. Không khó để tìm trên Google những câu chuyện hư cấu như thế. Nhưng nếu chỉ đọc chúng mà không biết vận dụng thì những câu chuyện ấy mãi chỉ dừng lại ở cấp độ truyền cảm hứng mà thôi, không đủ để thay đổi hành động.
Lần đầu tiên đọc câu chuyện về chiếc bình nứt, tôi đã tự hỏi làm sao để có thể biến nhược điểm thành lợi thế? Rất khó! Có lẽ chỉ có trong những câu chuyện mà thôi. Nhiều năm sau đọc lại câu chuyện chiếc bình nứt, tôi đã nghĩ rằng sao người đàn ông không gieo hạt ở hai bên đường? Mỗi lần chở nước về chỉ cần đảo vị trí chiếc bình là cả hai bên đều được tưới tắm rồi. Hay thay vì trồng hoa, sao ông không trồng một cây rau củ gì đó ăn được, có phải thiết thực hơn không? Thì ra, chỉ cùng một câu chuyện mà cách nhìn nhận của tôi đã khác. Ai rồi cũng sẽ trưởng thành nhỉ? Và khi gõ những dòng viết về chủ đề này, tự nhiên tôi lại nhớ đến câu chuyện về chiếc bình nứt.
Ai cũng là một chiếc bình nứt với những tì vết không hoàn hảo, có điều bạn có tìm ra được tì vết ấy không hay có sẵn sàng đối mặt với nó hay không? Khi viết CV tìm việc, nhiều người rất lúng túng về phần “nhược điểm” của bản thân. Không khó để viết về những ưu điểm, thậm chí còn tự tâng bốc, đánh bóng bản thân hơi quá đà chỉ để có một công việc. Nhưng có mấy ai thành thật với nhược điểm của mình? Người ta thường rỉ tai nhau cách viết hơi “lươn lẹo” một tí, đó là “nhược điểm của tôi là quá cầu toàn”, một nhược điểm có tính trung dung, không quá tích cực mà cũng không quá tiêu cực. Đó chỉ là một cách để qua mặt nhà tuyển dụng thôi, thực ra muốn phát triển bản thân thì phải chấp nhận những nhược điểm của bản thân và thay đổi nó.
Cách tìm ra nhược điểm của bản thân không quá khó. Chỉ cần trả lời câu hỏi: Bạn thấy hổ thẹn vì điều gì? Hay bạn không hài lòng với bản thân nhất ở điểm nào? Trong những năm qua, tôi đã liên tục biến những vết nứt không hoàn hảo của mình thành động lực để tiến lên.
Tôi lấy ví dụ, ngay từ nhỏ tôi đã thường bị chứng đau đại tràng hành hạ, càng căng thẳng lại càng đau. Tôi thường xuyên phải gặp vấn đề với việc tiêu hóa đồ ăn. Nhưng cũng vì bị đau đại tràng mà tôi ăn uống lành mạnh, cẩn thận hơn, cố gắng tránh những thức ăn có hại. Bạn bè bảo tôi sống “healthy” thế, thực ra thì mình có khiếm khuyết về sức khỏe nên bớt sướng cái miệng thì đỡ khổ cái thân thôi.
Tôi cũng là người khá lười vận động, nhưng nghĩ đến sức khỏe, tôi cũng đã chịu tập thể dục, thể thao, dù còn miễn cưỡng và chăm chỉ làm việc nhà hơn. Gần đây tôi cũng nhận thức được sức khỏe tinh thần có mối liên quan chặt chẽ với tiêu hóa. Nếu bạn thường xuyên căng thẳng, lo âu thì dù ăn uống lành mạnh đến đâu bạn cũng sẽ gặp vấn đề về tiêu hóa. Vì sức khỏe vốn không quá tốt, tôi đã sớm ý thức được giá trị của việc ăn uống, lối sống lành mạnh, chứ không để đến lúc sức khỏe bị tàn phá hoàn toàn mới cứu vãn.
Nếu ai hỏi điều gì khiến tôi hổ thẹn nhất thì tôi có thể trả lời là việc thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết sẽ khiến tôi hổ thẹn. Tôi từng bị tấn công lòng tự trọng của mình vì điều đó. Ý thức được điều đó, tôi chăm chỉ học hành, cập nhật kiến thức hơn và tránh nói về những cái gì mình không am hiểu. So với phiên bản của tôi vài năm về trước thì tôi của hiện tại đã có thể phản biện một quan điểm của ai đó, tuy nhiên tôi bớt “hiếu chiến” đi rồi và thường chọn im lặng nếu không nhất thiết phải lên tiếng.
Hay đợt giãn cách xã hội lần này, những người hướng nội như tôi chắc là ít chịu ảnh hưởng nhất. Bình thường tôi đã hay ở nhà, nghiện công việc, ít tụ tập giao du. Tôi từng rất ngưỡng mộ những người bạn hướng ngoại, giỏi xã giao. Tôi cũng từng thấy hơi xấu hổ khi bạn bè ngạc nhiên về việc tôi hay “ru rú” ở nhà. Nhưng sau này khi đã hiểu hơn về bản thân, tôi chấp nhận mình như mình vốn thế, cả những ưu điểm và nhược điểm. Tôi cũng không còn cảm thấy xấu hổ khi ru rú ở nhà nữa vì chẳng nơi nào khiến tôi thoải mái hơn ở nhà.
Nhiều thành phố đã quyết định gia hạn thêm thời gian giãn cách, người ta buộc phải “sống chậm” dù muốn hay không. Bạn cũng hãy tận dụng khoảng thời gian này để khám phá bản thân để xem thế mạnh và điểm yếu của mình là gì. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử với những bài trắc nghiệm tính cách nổi tiếng như MBTI, DISC, John Hollands.
Ngọc Anh