CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành tỷ phú số 1111 thế giới
Với khối tài sản ước tính 2,4 tỷ USD, CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Theo thống kê của Forbes, tính đến ngày 9/7/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet sở hữu khối tài sản ước tính 2,4 tỷ USD, và là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách tỷ phú USD của tạp chí danh tiếng này.
Forbes cho hay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, 51 tuổi, hiện xếp thứ 1111 trong bảng danh sách tỷ phú USD trên thế giới. Bà Thảo là tỷ phú tự thân, với nguồn thu nhập chủ yếu đến từ hãng hàng không Vietjet và ngân hàng HD Bank. Năm 2017 đánh dấu tên tuổi của bà Thảo khi nữ doanh nhân này chính thức trở thành tỷ phú USD, chỉ 6 năm sau khi bà cho ra mắt hãng hàng không VietJet Air. Ngoài hàng không và ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và khu nghỉ dưỡng.
Forbes cho hay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, 51 tuổi, hiện xếp thứ 1111 trong bảng danh sách tỷ phú USD trên thế giới. Bà Thảo là tỷ phú tự thân, với nguồn thu nhập chủ yếu đến từ hãng hàng không Vietjet và ngân hàng HD Bank. Năm 2017 đánh dấu tên tuổi của bà Thảo khi nữ doanh nhân này chính thức trở thành tỷ phú USD, chỉ 6 năm sau khi bà cho ra mắt hãng hàng không VietJet Air. Ngoài hàng không và ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và khu nghỉ dưỡng.
Trả lời báo chí, bà Thảo cho biết: Khi còn nhỏ, tôi ước mình sẽ là một cô giáo như mẹ tôi. Ước rằng sau khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy “cá vàng”… là đủ.
Tuy nhiên, sau khi nhận học bổng du học, tiếp xúc với môi trường quốc tế lại ở ngay thời điểm các nước Đông Âu đang cải cách chính trị và kinh tế – perestroika – một sự thay đổi lớn lao đang diễn ra tại cái nôi của chủ nghĩa xã hội, và tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.
Trường Đại học Plekhanov tôi học là nơi các chính trị gia, các nhà kinh tế, tài phiệt hàng ngày tiếp xúc với nhau, thầy giáo tôi là chủ tịch quốc hội thời đó. Từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc bảo rằng tôi phải dấn thân mới có khả năng mang đến sự thay đổi, nên gác ước mơ riêng trở thành cô giáo của mình để quyết định làm kinh doanh. Khi đó tôi mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ hai.
Mình quyết làm gì cũng muốn làm hết mình, làm đến tận cùng. Thời đó, 8h sáng đi học, chiều về, tôi bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học.
Nếu không dấn thân vào kinh doanh tôi không mất quãng thời gian từ chiều đến đêm và cả sáng sớm, chỉ tập trung vào học thôi. Có vẻ như trời cũng không phụ lòng người, năm 21 tuổi, tôi đã có 1 triệu USD trong tay là số tiền rất lớn thời đó khi 1 chỉ vàng có 200.000 đồng.
“Tôi nghĩ trước tiên tôi cần tập trung làm tốt công việc và sứ mệnh của mình. Mình làm tốt sẽ hữu xạ tự nhiên hương, lan tỏa trong doanh nghiệp của mình ra ngoài cộng đồng. Niềm tin, sự phấn khích là động lực cho lớp người khởi nghiệp trong một quốc gia khởi nghiệp. Tôi luôn động viên tinh thần đổi mới sáng tạo, nhất là trong lớp trẻ. Là doanh nhân, tôi thích tinh thần tự tôn dân tộc thời Minh Trị thần kỳ của Nhật Bản. Tôi cũng thích tinh thần của các doanh nhân chaebol Hàn Quốc. Khi doanh nhân Việt có khát vọng cống hiến, có lòng tự tôn dân tộc như doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và có trách nhiệm, sứ mệnh làm cho khách hàng, xã hội văn minh, tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ có động lực làm giàu giá trị Việt và lan tỏa ra thế giới. Đó là sẽ nguồn cảm hứng mãnh liệt của doanh nghiệp, doanh nhân Việt”.
Đan Lê (TH)