Những giá trị dinh dưỡng trong cây Wasabi
1. Giá trị dinh dưỡng
Rất nhiều người trong chúng ta đã từng sử dụng wasabi trong bữa ăn nhưng không phải ai cũng tường tận về giá trị dinh dưỡng và sức khỏe của loại gia vị đặc biệt này.
Wasabi là loài cây mọc tự nhiên dọc theo lòng suối trong các thung lũng triền sông miền núi ở Nhật Bản. Loài này cùng họ với bông cải xanh, bắp cải… nên cũng có hệ dưỡng chất tương tự.
Lá non của wasabi cũng có thể ăn được và có vị cay gần giống như của rễ wasabi. Nó có thể được dùng dưới dạng xà lách wasabi bằng cách ngâm qua đêm với muối ăn và dấm hay trần qua với một chút xì dầu. Ngoài ra, lá có thể làm thành bột nhão và rán thành các miếng mỏng.
Wasabi được bán dưới dạng củ (wasabi tươi), và nó phải được nạo (mài) mịn trước khi dùng hoặc dưới dạng bột nhão có thể dùng ngay, thường trong tuýp với kích thước và hình dáng tương tự như tuýp thuốc đánh răng. Khi ở dạng tuýp dùng ngay nó phải được che đậy kín cho đến khi dùng để tránh mất mùi và vị do bay hơi.
Khi sử dụng, wasabi thường được pha chế với nước sốt đậu nành để chấm các món hải sản sống lừng danh của Nhật Bản như sushi, sashimi.
Tuy nhiên, người mới dùng wasabi sẽ có cảm giác bỏng lưỡi, hơi nồng cay đột ngột xộc lên mũi có thể gây sốc cho người lần đầu tiên sử dụng, đặc biệt là những người quá nhạy cảm ở mũi.
2. Giá trị dược thảo
Wasabi xanh wasabi được dùng chung với các món ăn sống không chỉ để ngon miệng hơn mà còn để bảo vệ sức khỏe.
3. Tăng sức đề kháng
Theo nghiên cứu của nhà khoa học, trong wasabi xanh có chất isothiocyanates – là chất diệt khuẩn tức thì, tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại, giúp bạn không bị đau bụng khi dùng thức ăn sống.
Đặc biệt là wasabi có 4 công dụng rất hiệu quả đó là chống lại vi khuẩn, chống nấm, chống viêm nhiễm và khử trùng rất tốt.
Loài rau ăn củ này được sử dụng trong vệ sinh và phòng chống nhiễm trùng đường miệng.
4. Chống khối u
Wasabi chứa một loại isothiocyanate tác động hiệu quả trong việc chống lại các tế bào ung thư dạ dày, giúp ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư dạ dày trên chuột, từ đó các nhà khoa học hi vọng có thể tạo được tác động chống lại các khối u ở người.
Điểm đặc biệt là Isothiocyanates có tác dụng tiêu hủy những tế bào lỗi mà không làm tổn hại đến tế bào bình thường. Chất này cũng có khả năng kích hoạt enzyme trong gan khử các độc tố trong cơ thể.
5. Ngăn chặn kết tập tiểu cầu
Các nhóm isothiocyanate trong wasabi có khả năng làm ổn định mức tiểu cầu trong cơ thể, có tác động như là chất chống đông hiệu quả. Nghiên cứu này chứng minh rằng trong trường hợp các cơn đau tim, trong khi aspirin thường được chỉ định tác động trong khoảng 30 phút thì trích tinh wasabi lại có tác dụng tức khắc.
Thực phẩm này cũng có khả năng giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh liên quan nhờ khả năng trợ giúp rất tốt cho quá trình lưu thông máu trong cơ thể.
6. Chống loét dạ dày và chống tiêu chảy
Các nhà bác học Shin IS, Masuda H, Naohide K đã nghiên cứu chất Allyl IsoThiocyanate (AIT) có trong rễ, thân, lá của wasabi có tác dụng chống lại sự phát triển của vi khuẩn H.Pylori gây loét dạ dày.
Gần đây một nghiên cứu cho thấy trích tinh của wasabi đã tiêu diệt được vi khuẩn Salmonella enteritidis hoặc Streptococcus aureus là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
7. Chữa bệnh ngoài da
Người Hy Lạp cổ đại dùng wasabi như loại cao nóng thoa ngoài da, trị các vết phồng rộp. Mặc dù dễ bay hơi nhưng dầu wasabi lại rất công hiệu trong việc chữa trị nhanh các vết rộp da khi được pha loãng hoặc đắp trực tiếp lên vùng da bị kích ứng.
Ngày nay, wasabi còn được dùng như chất chống kích ứng, giúp làm lành các vết cắn của bò cạp, rắn rết… hoặc chữa đau nhức. Nhờ tác dụng làm nóng tại chỗ, wasabi giúp cắt cơn đau cơ, vì thế, chúng còn được pha loãng với nước để rửa chân hoặc tắm để chống đau cơ.
Hà Giang