Take a fresh look at your lifestyle.

3 giai đoạn dễ tan vỡ hôn nhân

Theo chuyên gia về hôn nhân Kimberlee Sweeney (Australia), đời sống vợ chồng ở giai đoạn cuối những năm 30 tuổi, 50 tuổi và ngoài 60 tuổi dễ bị trục trặc và tan vỡ nhất.
Ở thời kỳ nguy hiểm đầu tiên là vào cuối những năm 30 tuổi tới đầu những năm 40 tuổi, hôn nhân có thể gặp trục trặc do người phụ nữ có xu hướng muốn tìm lại giá trị, tiếng nói của mình. “Đây là giai đoạn mà con cái dần lớn hơn và họ nhận ra rằng cuộc sống còn nhiều điều hơn để trải nghiệm, điều này thôi thúc họ thay đổi. Nếu những thay đổi đó không xảy ra trong mối quan hệ và họ không thể cùng bạn đời hướng đến sự thay đổi đó, thì đó là giai đoạn mà họ quyết định chia tay”, Kimberlee Sweeney nói.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Độ tuổi phổ biến thứ hai mà mọi người hướng tới ly hôn là tuổi 50. Theo chuyên gia này, đây là độ tuổi mà phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh trong khi bạn đời của họ chưa sẵn sàng cho điều đó, gây ra sự “lệch pha” cảm xúc và tâm sinh lý. Đây cũng là giai đoạn mà con cái lớn hơn, có thể chuẩn bị vào đại học, do đó những người phụ nữ cảm thấy họ được tự do hơn một chút để có thể làm những điều họ muốn.
Độ tuổi phổ biến thứ ba là tuổi ngoài 60. Đây được gọi là những cuộc “ly hôn hoa râm”. Giải thích vì sao giai đoạn này ly hôn trở nên phổ biến, cô cho rằng: “Đây là lúc các cặp vợ chồng nghỉ hưu, họ không thể chịu nổi việc ở nhà và dành cả ngày cho nhau. Do đó, họ kết thúc bằng việc chia đôi nhà cửa, sử dụng tiền hưu trí và bắt đầu một cuộc sống mới”.
Tại New Zealand, độ tuổi trung bình của phụ nữ khi nộp đơn ly hôn là 44,4 (thống kê năm 2019), trong khi năm 1999 là 38,4 tuổi. Với đàn ông, độ tuổi trung bình của nam giới khi ly hôn là 47 vào năm 2019, so với 41,2 vào năm 1999. Điều này cho thấy ly hôn ở tuổi trung niên tăng dần theo thời gian.
Kimberlee Sweeney cũng chỉ ra một thực trạng, nếu một người có nhiều bạn bè ly hôn, người đó cũng dễ ly hôn hơn.
Trước đó, nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi ba trường là Đại học Brown, Đại học California và Đại học Harvard cho kết quả, một người có nguy cơ ly hôn cao hơn 75% nếu có một người bạn thân đã ly hôn. Thậm chí, nếu có một vài người bạn đã ly hôn trong mạng xã hội của mình, người đó có nguy cơ ly hôn cao hơn 147%, so với những người đã kết hôn và có bạn bè không ly dị.
Trên thực tế, những người xung quanh có thể có tác động rất lớn đến khả năng ly hôn, dù đó có thể không phải người mà bạn thường xuyên tiếp xúc. Có anh chị em đã ly hôn có nghĩa là người đó có nguy cơ ly hôn cao hơn 22%. Điều thú vị là anh chị em ruột thịt có vẻ ít ảnh hưởng hơn so với đồng nghiệp. Nếu đồng nghiệp quanh bạn là những người từng ly hôn, nguy cơ ly hôn của bạn sẽ cao hơn 50%.
Thùy Linh (Theo Stuff)